Doanh nghiệp

Cuộc chiến sống còn của 2 đại gia ô tô General Motors và Ford: “Nướng” hàng tỷ đô vào cuộc đua xe điện và công nghệ xe tự hành

Chiến trường mới mang tên "Xe điện"

Năm 1909, người sáng lập General Motors (GM) William Crapo Durant đã đề xuất một thương vụ M&A trị giá 8 triệu USD với Ford. Tuy nhiên, Henry Ford không những đã từ chối mà còn phát động một cuộc cạnh tranh toàn diện suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm của hai hãng xe hàng đầu nước Mỹ.

Theo dòng xu thế, xe điện trở thành cuộc so găng mới, khi cả hai hãng xe đều tập trung phát triển công nghệ điện cho các dòng sản phẩm, đặc biệt là xe bán tải.

Khởi động chiến dịch này, General Motors đã cho biết họ sẽ xây dựng bốn nhà máy sản xuất pin vào năm 2025 với đối tác LG Chem - Hàn Quốc.

Về phía mình, Ford đã công bố khoản đầu tư 11 tỷ USD với hãng SK Innovation cũng của Hàn Quốc, xây dựng ba nhà máy sản xuất pin và một nhà máy lắp ráp cho xe bán tải f-Series chạy điện.

Ford ước tính đến năm 2030, 40% doanh số bán hàng toàn cầu của họ sẽ đến từ xe điện. Đây cũng là thời hạn mà Tổng thống Joe Biden đặt ra quy định một nửa số ô tô sản xuất mới ở Mỹ phải chạy bằng pin. Trong khi đó, General Motors tham vọng tất cả các sản phẩm của mình sẽ không có khí thải vào năm 2035.

Sau khi để các đối thủ châu Âu và Nhật Bản qua mặt, hai "đại gia" của nước Mỹ đang vung tiền cho kế hoạch năng lượng sạch. Ford đã nâng tổng mức đầu tư lên 30 tỷ USD vào năm 2025, tăng 22 tỷ USD so với cam kết trước đó (đến năm 2030). Đáp lại, General Motors cũng nâng mức đầu tư lên 35 tỷ USD.

Cuộc chiến sống còn mới của General Motors và Ford : Chi hàng tỷ đô vào chiến trường xe điện và công nghệ tự lái để níu giữ thị phần suy giảm trầm trọng - Ảnh 1.

Cuộc chiến sống còn mới

Cuộc chiến này còn mang ý nghĩa sống còn khi thị phần nội địa kết hợp của hai hãng xe chỉ còn 30% thay vì 50% như giai đoạn năm 2000 và 70% trong những năm 1970. Thậm chí, có lúc một trong hai tập đoàn đã đứng trước bờ vực phá sản và rời khỏi cuộc chơi vì cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra vào năm 2008.

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, CEO Alan Mulally đã kịp thời cứu Ford khỏi sự bảo hộ phá sản nhưng đối thủ của họ General Motors đã sa lầy vì không kịp thích nghi. Điều này cho phép Ford tránh được khung cải tổ bắt buộc từ chính phủ mà General Motors phải gánh chịu.

Tuy vậy, lợi nhuận của Ford cũng liên tục giảm trong giai đoạn 2016 -2019. Cộng với việc mắc phải một loạt sai lầm, nghiệm trọng nhất là sự cố dòng xe Explorer S.U.V phải triệu hồi đến 10 lần chỉ trong năm 2019 vì lỗi giá đỡ động cơ.

Mary Barra - người nắm quyền lãnh đạo General Motors từ năm 2014, đã đình chỉ những bộ phận hoạt động kém hiệu quả, rời khỏi thị trường Nga và Ấn Độ, đồng thời bán Opel - công ty hoạt động ở châu Âu cho PSA Group.

Hiện tại, các sản phẩm của Ford được đánh giá là hấp dẫn và đáng mơ ước hơn, tiêu biểu là dòng xe Mustang Mach-e chạy điện. Công ty dự kiến doanh thu từ đơn vị xe thương mại sẽ tăng từ 27 tỷ USD vào năm 2019 lên 45 tỷ USD vào năm 2025.

Đáng chú ý, Ford được cho là có cổ phần khá lớn trong Rivian, một công ty khởi nghiệp xe điện được có định giá tương lai là 80 tỷ USD, gần bằng giá trị vốn hóa thị trường của General Motors và bằng một nửa Ford.

Cuộc chiến sống còn mới của General Motors và Ford : Chi hàng tỷ đô vào chiến trường xe điện và công nghệ tự lái để níu giữ thị phần suy giảm trầm trọng - Ảnh 2.

General Motors dù thông báo họ sẽ có 30 mẫu xe điện vào năm 2025, nhưng chiếc xe duy nhất trên đường hiện nay là Chevy Bolt, một mẫu xe hatchback cỡ nhỏ không ăn khách. Một dòng xe khác là Chevy Silverado chạy điện cũng có thể sẽ không kịp ra mắt trước năm 2024 trong khi chiếc f-150 Lightning của Ford đã có thể được đặt hàng trước và sẽ được bán vào năm sau.

Tuy nhiên, General Motors vẫn chưa hề bỏ cuộc. Đầu năm, công ty đã thành lập BrightDrop, một bộ phận mới dành riêng cho các phương tiện giao hàng bằng điện. Và nó vẫn giữ được lợi thế về công nghệ cơ bản, cũng như trong việc sản xuất pin - một yếu tố quan trọng để cắt giảm chi phí đắt nhất của ô tô điện.

Pin Ultium của hãng với hệ thống không dây giúp giảm trọng lượng và chi phí, kết hợp với động cơ điện mới có thể tạo ra một chiếc xe có phạm vi hoạt động 724km, nhiều hơn gần 50 km so với chiếc Tesla có tầm hoạt động xa nhất.

Một cuộc chiến khác được dự báo còn cam go hơn cho hai gã khổng lồ này: Xe tự hành ! Hiện cả hai công ty đều không công bố về quá trình phát triển công nghệ tự lái. Một số nguồn tin rò rỉ cho thấy cả hai sẽ không đối đầu trực diện mà thông qua hai công ty start up Cruise (nhóm General Motors) và Argo (nhóm Ford và Volkswagen).

Cruise đã nhận được sự hậu thuẫn của SoftBank và được định giá 30 tỉ USD. Mặc dù được định giá thấp hơn khoảng 7 tỷ USD, Argo vẫn đang bắt đầu thử nghiệm xe ô tô tự lái của mình và có kế hoạch ra mắt công chúng trong năm nay. Sự cạnh tranh chắc chắn sẽ còn leo thang trong nhiều năm tới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm