Bất động sản

Kinh tế Việt Nam nhìn từ danh sách tỷ phú USD: Người Việt có thực sự giàu lên từ bất động sản?

Đầu tiên, cần xem xét đến nhận định rằng người Việt Nam giàu nhờ bất động sản. Theo số liệu thống kê 20 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, có 7 doanh nhân đến từ lĩnh vực bất động sản, chiếm đến 35%. Nhưng thực tế, thống kê này không thể khẳng định việc 1/3 người giàu ở Việt Nam là nhờ bất động sản.

Nếu tính sang danh sách tỷ phú thể giới năm nay của Forbes công bố cho thấy, Việt Nam có 6 đại diện: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

Trong danh sách này, trừ ông Phạm Nhật Vượng có bất động sản là trụ cột chính đưa ông trở thành tỷ phú USD, còn lại bà Nguyễn Thị Phương Thảo xuất phát từ ngành hàng không, ông Trần Đình Long làm sản xuất thép, ông Hồ Hùng Anh thì là ngân hàng, ông Trần Bá Dương là ô tô và ông Nguyễn Đăng Quang là từ sản xuất sản phẩm tiêu dùng nhanh.

Điều này để thấy, nền kinh tế Việt Nam nếu nhìn từ danh sách tỷ phú USD, thì chủ yếu là ngành sản xuất và dịch vụ. Tất nhiên, hiện tại, các tập đoàn của những tỷ phú này không tập trung vào duy nhất một lĩnh vực.

Ông Trần Đình Long từng chia sẻ tại đại hội cổ đông 2021 rằng: "Không ai có thể làm thép mãi được. Hòa Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn phải đa ngành nghề". Bên cạnh thép, Hòa Phát cũng phát triển mảng nông nghiệp (sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo-bò-gia cầm) và bất động sản.

Hay như với Vingroup, tập đoàn cũng nhiều lần nhấn mạnh 3 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, trong đó công nghệ được nhấn mạnh đầu tiên, rồi đến công nghiệp, thương mại dịch vụ. Thời gian vừa rồi, tập đoàn này cũng đã thoái vốn ở nhiều mảng kinh doanh mới, cụ thể là ngừng sản xuất điện thoại và TV, tập trung cho xe VinFast.

 Kinh tế Việt Nam nhìn từ danh sách tỷ phú USD: Người Việt có thực sự giàu lên từ bất động sản?  - Ảnh 1.

Quay trở lại với bất động sản, theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đóng góp của ngành bất động sản trong GDP hiện vào khoảng 7,62%. Quy mô kinh tế Việt Nam theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang đạt hơn 340 tỷ USD, như vậy nếu theo số liệu của hiệp hội trên thì ngành bất động sản đang đóng góp vào nền kinh tế khoảng gần 26 tỷ USD. Nhưng theo mức mà Tổng cục Thống kê công bố, thì con số này chỉ đạt khoảng 15 tỷ USD.

Trong khi đó, ở Việt Nam, việc tính toán tài sản của một người dựa trên giá trị bất động sản vẫn còn nhiều rào cản. Báo cáo của hãng Knight Frank hồi đầu năm chỉ ra Việt Nam có 390 người trong nhóm siêu giàu năm 2020 (ultra-high-net-worth individual - UHNW, những người có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên), thực chất vẫn còn chưa tính được hết các khía cạnh.

Ví dụ như ở nhiều nước, cơ sở dữ liệu về giá trị bất động sản theo giá trị trường sẽ được đưa vào thống kê, vì họ đánh thuế trên giá trị bất động sản theo giá thị trường. Nhiều quốc gia, khi giá nhà tăng lên sẽ được quy vào thu nhập bất thường và người dân phải chịu thuế. Tuy nhiên tại Việt Nam, giá nhà tăng sẽ không có bộ phận nào cập nhật thông tin nhanh chóng như vậy được.

Thế nên con số 160.000 USD (khoảng 3,7 tỷ đồng) để lọt top 1% người giàu nhất Việt Nam là chưa phản ánh thực tế. Nhưng điều này cũng nói lên rằng, ngay cả khi tài sản lớn nhất là bất động sản không thực sự được đưa vào tính toán, thì Việt Nam cũng được dự báo có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới (31%) trong 5 năm tới.

Dự kiến, tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 511 người có tài sản trên 30 triệu USD và 25.812 cá nhân sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD. Xin lưu ý, những con số này vẫn chưa tính hết hoàn toàn giá trị bất động sản theo giá thị trường.

Xét thêm những tác động của đại dịch Covid-19, thì ngành bất động sản còn bị tác động rất nặng nề đến cả thị trường nhà đất, thị trường đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn. Đại dịch thực chất đã thay đổi cấu trúc nền kinh tế, hướng mạnh đến công nghệ cao.

Một trong những chiến lược rõ nhất của Việt Nam đó là Make in Vietnam được phát động từ năm 2019. "Từ 5G của Viettel, hay xe VinFast đã thể hiện tinh thần Make in Vietnam tương đối rõ. Khái niệm ấy hàm nghĩa những thứ Việt Nam làm được, nhưng ở tầm công nghệ cao", PGS.TS Trần Đình Thiên từng chia sẻ với Trí thức trẻ.

Nhìn vào nền kinh tế Việt Nam, những cái tên như Trường Hải, Vingroup, Viettel... đã được đánh giá là "người lãnh sứ mệnh quốc gia, chứ không phải chỉ làm giàu cá nhân". Như trước đây, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee đã đặt câu hỏi cho một tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc: "Ông có bảo đảm với tôi đưa xuất khẩu của Hàn Quốc tăng (mấy phần trăm) không? Nếu ông cam kết làm được, Chính phủ sẽ tạo điều kiện, sẽ có thưởng, nhưng nếu không làm được thì phải chịu trừng phạt".

Thưởng bằng cách nào? Tài trợ vốn, nhận được một số ưu đãi và hỗ trợ, cố gắng tối đa bảo đảm tuân thủ nguyên tắc thị trường. Nguồn vốn khan hiếm của đất nước, đáng lẽ phải chia cho nhiều người thì tập trung cho một vài ông lớn, vì họ mang sứ mệnh tăng thế lực của đất nước trên thị trường thế giới.

Từ đó, theo ông Trần Đình Thiên, cần phải thúc đẩy những trụ cột đất nước mạnh hơn nữa. "Một mình Viettel chắc chắn yếu hơn khi Viettel cùng với các doanh nghiệp khác tạo thành chuỗi. Trường Hải và Vingroup làm ô tô cũng vậy. Nếu có trụ cột trong ngành công nghiệp ô tô, thì có thể giúp hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam thay nước ngoài. Vingroup, Thaco đang cố nội địa hóa hướng đó".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm