Doanh nhân

Sự nghiệp thành công, gia đình mạnh khoẻ vẫn không thấy hạnh phúc hơn thời startup, vị Tiến sĩ ngồi thiền 1.000 giờ: "Hạnh phúc không phụ thuộc vào Covid hay số tiền bạn kiếm được!"

Nhà khoa học dữ liệu, Tiến sĩ Nguyễn An Nguyên học tại Mỹ và có một thời gian làm việc ở thành phố New York. Năm 2013, ông thành lập Trusting Social – một startup trong mảng Fintech, với mục tiêu chấm điểm tín dụng cho 1 tỷ người, giúp họ vay được tiền. Hay hiểu đơn giản là dùng công nghệ để giúp người nghèo vay được tiền. Ông rời bỏ New York để đi đến các thị trường khác nhau, với niềm phấn khích.

TS An Nguyên sang Philippines, vào những khu ổ chuột hàng triệu người sống, rồi đến Ấn Độ - nơi bất bình đẳng thu nhập, khách sạn 5 sao ngay bên cạnh khu ổ chuột hàng trăm năm. Đến 2019, công ty Trusting Social của ông đạt được mục tiêu khi trở thành ứng dụng đầu tiên trên thế giới chấm điểm tín dụng cho 1 tỷ người.

"Cuối năm 2019, tôi nhìn lại, thấy mình đang sống cuộc đời mà xưa nay vẫn mơ ước. Tôi sống có lý tưởng và vừa đạt được lý tưởng đó, gia đình thì mạnh khoẻ, mọi người tương đối hạnh phúc, có một đội ngũ tài năng nhưng tôi lại không thấy hạnh phúc hơn khoảng thời gian khởi nghiệp năm 2013. Hồi đó, thế giới vẫn còn chưa chấp nhận mô hình tính rủi ro tín dụng của chúng tôi, đi gặp 100 ngân hàng thì cả 100 đều từ chối. Nhưng khi đạt được mục tiêu rồi thì vẫn không thấy hạnh phúc hơn, tất nhiên là không phải không hạnh phúc", TS An Nguyên chia sẻ tại talkshow "Sức Mạnh niềm tin".

"Trong kinh tế học, người ta giải thích hiện tượng đó rằng: khi thu nhập, khát vọng của mình đạt được thì sự đóng góp về hạnh phúc ngày lại càng nhỏ đi, đến một lúc nào đó sẽ đi ngang.

Lúc ấy, tôi nghĩ rằng đó là tột đỉnh của hạnh phúc rồi và cứ tiếp tục thực hiện việc của mình thôi".

Sự nghiệp thành công, gia đình mạnh khoẻ vẫn không thấy hạnh phúc hơn thời startup, vị Tiến sĩ ngồi thiền 1.000 giờ: Hạnh phúc không phụ thuộc vào Covid hay số tiền bạn kiếm được! - Ảnh 1.
TS Nguyễn An Nguyên - CEO Trusting Social

Tuy nhiên, bước ngoặt xảy ra trong lần ông tình cờ nói chuyện với một người bạn. Người bạn này dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về thiền định. Bản thân vốn là người tò mò và tin vào khoa học, vị Tiến sĩ cũng tin và tìm hiểu những nghiên cứu về thiền định. Càng nghiên cứu, càng đọc lại càng thấy sự tương quan giữa thiền định với thần kinh học, với cách nhìn thế giới về mặt lượng tử.

"Khi người ta hỏi Đạt Ma rằng ngồi thiền bao nhiêu lâu thì sẽ thấy cuộc sống thay đổi, ông ấy bảo khoảng 50 tiếng. Tôi ngẫm nghĩ, 50 tiếng thì còn ngắn hơn Game of Thrones. Mình còn xem hết cả 8 mùa của Game of Thrones thì tại sao không thử.

Vậy là tôi ngồi thiền. Cuối 2019, lúc đó là "down time", tôi dành nguyên kỳ nghỉ Tết để ngồi thiền 50 tiếng. Sau khi thiền 50 tiếng, tôi bắt đầu thấy an được tâm và an được thân. Khi bắt đầu tập thiền, các bạn sẽ thấy mối quan hệ giữa tâm và thân rất gắn bó với nhau.

Người làm startup phải đối diện với nhiều trạng thái, có những nỗi lo sợ, băn khoăn rất lớn. Khi ngồi thiền thì điều đó sẽ giảm đi".

Chưa dừng lại ở đó, CEO Trusting Social thấy được "return on investment" tiếp tục tăng lên, tức cứ đầu tư thêm thì được thêm, vậy tại sao không tăng số giờ thiền lên?

Ông hướng tới mục tiêu thiền 200 giờ.

"Sau khi thiền được 200 tiếng thì tôi thấy được sự an lạc trong đời sống hàng ngày. Khi ngồi thiền, mình có những cảm nhận, ví dụ như hỷ và lạc. Bình thường ngồi thiền sẽ có cảm giác rất chán hoặc buồn ngủ, hoặc mỏi chân, đau lưng nhưng đến thời điểm nào đó sẽ thấy rất tự nhiên và sung sướng. Khi sung sướng thì mình ngồi được nhiều, rồi sự hỷ lạc trong tâm và cơ thể sẽ tràn ra cuộc sống".

Sự nghiệp thành công, gia đình mạnh khoẻ vẫn không thấy hạnh phúc hơn thời startup, vị Tiến sĩ ngồi thiền 1.000 giờ: Hạnh phúc không phụ thuộc vào Covid hay số tiền bạn kiếm được! - Ảnh 2.

Sau đó, TS An Nguyên hướng tới thiền 1.000 giờ.

"Khi ngồi được 500 tiếng thì cách nhìn của bản thân với thế giới thay đổi, đến mức nhận ra rằng hạnh phúc mà mình theo đuổi từ thời thiếu niên đến bây giờ, thực ra không bền và không phải hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc chỉ đến từ bản thân mình thôi, không phụ thuộc vào Covid, vào sự thành công của công ty hay thậm chí là thành công trong lý tưởng của mình.

Thiền định mang lại cho tôi hạnh phúc đích thực, từ đó hành vi, chính kiến của mình thay đổi, mình đối xử với thế giới khác đi và ngược lại, thế giới cũng đối xử với mình khác đi. Ví dụ với các con của tôi, chúng có rất nhiều tò mò. Lúc tập thiền, tôi mới bắt đầu tập lắng nghe các con, ví dụ nghe chúng nói trong 2 tiếng. Từ những hành vi, đối xử nhỏ với các thành viên thân thiết trong gia đình đến đối xử với thế giới, đều thay đổi. Khi mà mình thay đổi, thì thế giới chắc chắn sẽ thay đổi.

Con đường thiền định về cơ bản là đi bộ, người thiền định nhiều như đi bộ nhiều. Nếu bạn đi 1.000 tiếng thì có thể đi đến Thái Lan, 10.000 tiếng thì vòng quanh thế giới và nó không có giới hạn. Tập thói quen ngồi xuống, giống như trước kia mình tập đi, và con đường đó không có kết thúc. Hạnh phúc nó mang lại, mỗi ngày lại thêm màu sắc mới", Tiến sĩ bày tỏ.

CEO Trusting Social đúc kết lại, khi bản thân hạnh phúc thì mọi hành xử sẽ thay đổi hoàn toàn. Và những hành động thực sự thiện sẽ đến từ một tâm rất hạnh phúc.

Với những người chưa thiền hoặc muốn tìm đến thiền nhưng vẫn e ngại, TS An Nguyên nhấn mạnh: "Thiền định không loại trừ sự thành công ngoài cuộc đời. CEO Twitter cũng thiền. Hay tác giả của "FOMO Sapiens", ông ấy nói rằng nhờ thiền mà ông ấy thành công.

Cho nên đầu tiên mình đừng sợ nó. Hạnh phúc của mình không loại trừ việc thành công trong cuộc sống. Cách đây 20 năm, tôi nói chuyện với một vị sư, tôi bảo sợ rằng nếu đi theo đạo Phật thì mất đi động lực cho những thứ khác. Vị sư bảo rằng thực ra, chúng không loại trừ nhau. Giống như chiếc bình đựng đầy cát thì vẫn đổ nước vào được. Các tình yêu không loại trừ nhau".

Ông nhấn mạnh một lần nữa: "Hạnh phúc chỉ phụ thuộc vào bạn thôi, không phụ thuộc vào ai cả, không phụ thuộc vào Covid hay số tiền bạn kiếm được, thậm chí cũng không phụ thuộc vào việc con bạn có vào được trường tốt hay không".

Bên cạnh đó, muốn có được hạnh phúc thì phải đầu tư cho nó, đừng hành hạ cơ thể và tâm của mình.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm