Chứng khoán

Khối ngoại "Sell in May", bán ròng đột biến chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam

"Sell in May" diễn biến mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024. Tháng 5 trở thành một dấu mốc đáng nhớ khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đợt bán ròng với quy mô cao kỷ lục.

Thống kê trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng hơn 15.600 tỷ đồng, riêng trên kênh khớp lệnh bán ròng hơn 13.000 tỷ, dồn dập vào nửa cuối tháng 5. Con số này vượt qua mức bán ròng gần 11.800 tỷ đồng ghi nhận hồi tháng 5/2021, trở thành tháng "xả" hàng mạnh nhất của dòng vốn ngoại trong suốt lịch sử 24 năm của TTCK Việt Nam.

photo-1717321229159

Lượng bán ròng mạnh nhất ghi nhận tại cổ phiếu bất động sản Vinhomes - VHM với giá trị gần 4.800 tỷ đồng, chia đều trên cả kênh khớp lệnh và thoả thuận. Dưới áp lực bán ra mạnh, thị giá VHM sụt gần 5% trong tháng 5 vừa qua, hiện đạt 38.850 đồng/cp.

Xếp tiếp theo trong danh sách bán ròng của khối ngoại là hai mã đầu ngành ngân hàng gồm Vietinbank (CTG) và VPBank (VPB). Điểm chung giữa hai cổ phiếu này là việc nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu bán ròng khớp lệnh, trong khi CTG bị bán ròng hơn 1.700 tỷ thì VPB cũng bị xả ròng gần 810 tỷ đồng.

Tương tự, giá trị bán ròng hơn nửa nghìn tỷ còn ghi nhận tại các cổ phiếu khác như VRE (736 tỷ), HDB (723 tỷ), VND (674 tỷ đồng). Chứng chỉ quỹ FUESSVFL cũng bị nhà đầu tư ngoại bán ròng 671 tỷ đồng xuyên suốt tháng 5.

Cổ phiếu công nghệ "hot" FPT bị khối ngoại bán ròng trên 640 tỷ đồng trong tháng 5 vừa qua. Không loại trừ khả năng đây là động thái chốt lời của nhà đầu tư nước ngoài khi mà thị giá cổ phiếu này có đà tăng giá mạnh mẽ. Thậm chí bất chấp đà bán của dòng vốn ngoại, FPT vẫn tiếp tục tăng, dừng ở mức 134.600 đồng/cp vào phiên 31/5, tăng thêm hơn 9% so với đầu tháng.

Ở chiều ngược lại, dù xả ròng hàng chục nghìn tỷ đồng song khối ngoại vẫn không tiếc tiền gom Thế giới di động - MWG. Cổ phiếu đầu ngành bán lẻ này được mua ròng gần 1.600 tỷ đồng trong tháng 5 vừa qua, "room" ngoại nhanh chóng được lấp đầy lên gần 48,7%. ngoài ra, DBC và HVN cũng được mua ròng tốt với giá trị lần lượt là 672 tỷ và 483 tỷ đồng.

photo-1717321221243

Mặc dù chỉ chiếm chưa tới 10% giá trị giao dịch trên thị trường song động thái bán ra mạnh mẽ của nhà đầu tư ngoại vẫn có sự tác động nhất định tới thị trường chung, dấy lên nhiều câu hỏi về sự biến động của dòng vốn quốc tế. Một trong những nguyên nhân chính khiến vốn ngoại bán ra cổ phiếu Việt chính là sự chênh lệch môi trường lãi suất, chính sách tiền tệ của Việt Nam có sự khác biệt cũng như tỷ giá leo thang. Những biến động chính trị cũng tác động đáng kể tới hành động của nhà đầu tư ngoại.

Theo ghi nhận, hoạt động tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu diễn ra mạnh trong vài tháng trở lại đây, những thị trường tăng trưởng yếu hơn, đồng tiền mất giá hay những thị trường cận biên như Việt Nam sẽ bị rút vốn mạnh để phân bổ vào những nơi thị trường hiệu quả hơn. Sự đảo chiều rút ròng từ các quỹ ETF và cả các quỹ chủ động cũng được ghi nhận xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi.

Một số câu chuyện riêng trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có thể gây ra tác động tiêu cực tới khối ngoại như việc chuyển đổi hệ thống mới KRX chưa thể thực hiện hay sự chênh lệch về tỷ trọng giữa các nhóm ngành trên sàn, thiếu những hàng "ngon" như nhóm ngành sản xuất, công nghiệp, công nghệ, y tế, chăm sóc sức khoẻ,...

Ngoài ra, việc một số cổ phiếu có câu chuyện riêng và tăng mạnh cũng dẫn tới kết quả là việc nhà đầu tư ngoại chốt lời.

Theo ông Trần Quốc Toàn - Giám đốc Kinh doanh Hội Sở Chứng khoán Mirae Asset, khi đồng tiền tại quốc gia nhà đầu tư ngoại tham gia có xu hướng mất giá, cộng hưởng từ mức nền lãi suất ở quốc gia sở tại đang có xu hướng giảm để nới lỏng, việc bán và rút đi của các NĐT ngoại là điều dễ hiểu.

Tuy vậy, vị chuyên gia dự báo xu hướng bán ròng của khối ngoại sẽ sớm kết thúc trong thời gian ngắn sắp tới, khi gần đây NHNN đã có nhiều động thái để ổn định tỷ giá và nâng nền lãi suất của Việt Nam lên. Áp lực có thể sẽ nhẹ nhàng hơn dần vào quý 3, khi FED có thể sẽ giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 9 sắp tới. Nền lãi suất hiện tại dù đang tăng lên, tuy nhiên vẫn đang là rất thấp so với bối cảnh hiện tại.

Theo ông Toàn, từ đây đến cuối năm, mặc dù thị trường có thể đón nhận một vài nhịp rung lắc như trong tuần vừa rồi, tuy nhiên áp lực bán từ ngoại hối kỳ vọng sẽ giảm mạnh, dòng tiền cá nhân trong môi trường lãi suất thấp làm chủ đạo, xu hướng chính cho thị trường vẫn sẽ là xu hướng tăng giá, và việc quan trọng là tập trung vào lựa chọn ngành và cổ phiếu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm