Chứng khoán

Hai kịch bản cho VN-Index trong tháng 3: Vượt 1.050 điểm hay thủng ngưỡng 1.000?

Tại báo cáo mới công bố, Chứng khoán BSC cho biết lãi suất tăng tại Mỹ đã khiến chi phí đầu vào cao, kỳ vọng về việc FED tiếp tục thắt chặt CSTT hơn tiếp tục ảnh hưởng tới lĩnh vực sản xuất của quốc gia này. Tại châu Âu, lạm phát đã đạt đỉnh nhưng vẫn ở mức cao, cộng thêm CSTT thắt chặt khiến cầu tiêu dùng giảm. Với Trung Quốc, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ các chính sách, gói hỗ trợ nền kinh tế liên tục được đưa ra.

Trong nước, sự suy giảm trong hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2023 ngày càng rõ nét hơn. Môi trường kinh doanh của Việt Nam bị ảnh hưởng cả bởi yếu tố nội tại (lạm phát cao, thanh khoản hệ thống,…) cũng như yếu tố quốc tế (cầu tiêu dùng giảm, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam giảm,…)

Điểm tích cực là giải ngân vốn NSNN tăng trưởng tốt trong tháng 2 nhờ có sự đôn đốc của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có những dự án mới khởi công còn đang trong thời gian hoàn thiện các thủ tục đầu tư nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung. Tuy vốn FDI thực hiện và đăng ký tăng thêm giảm, nhưng vốn FDI đăng ký cấp mới lại tăng mạnh cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Hai kịch bản cho VN-Index trong tháng 3: Vượt 1.050 điểm hay thủng ngưỡng 1.000? - Ảnh 1.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới gia tăng trở lại, tăng trưởng xuất nhập khẩu có thể duy trì xu hướng hồi phục trong tháng 3 và tháng 4. BSC chia kịch bản tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu năm 2023 theo hai hướng, kịch bản tiêu cực, xuất khẩu có thể tăng 5,8% và nhập khẩu tăng 5,4%; nếu tích cực hơn, xuất khẩu có thể tăng 8,3% và nhập khẩu có thể tăng 7,4%.

Hai kịch bản cho VN-Index trong tháng 3: Vượt 1.050 điểm hay thủng ngưỡng 1.000? - Ảnh 2.

BSC dự báo CPI cuối năm 2023 có thể đạt 3,5% trong kịch bản tích cực và 5,1% trong kịch bản tiêu cực. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND đến cuối năm 2023 có thể giao động trong mức 23.900 – 24.400.

Với thị trường chứng khoán, BSC xây dựng hai kịch bản có thể xảy ra trong tháng 3. Cụ thể, bối cảnh ghi nhận hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục dần sau nhịp chững đầu năm từ các thị trường nhập khẩu chủ chốt trước tâm lý lo ngại suy thoái. Giải ngân đầu tư công đẩy mạnh, tạo hiệu ứng lan tỏa. Mặt bằng lãi suất có dấu hiệu giảm dần gỡ khó cho hoạt động sản xuất, tiêu dùng và đầu tư. Khối ngoại giảm dần hoạt động rút ròng và quay lại mua ròng ở nửa sau tháng 3 với sự trở lại mua ròng từ các quỹ ETF. Thị trường bước vào mùa ĐHCĐ và có thêm thông tin hỗ trợ trợ sẽ giúp VN-Index tạo nền và quay trở lại vùng tích lũy trên 1.050 điểm.

Kém khả quan hơn, nếu FED duy trì quan điểm tăng lãi suất mạnh hơn dự báo của thị trường nhằm chống lại lạm phát. Biến động tiêu cực từ thị trường quốc tế khiến dòng vốn ngoại rút ròng, áp lực lên ổn định vĩ mô cũng như nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho nền kinh tế của hệ thống Ngân hàng. Thanh khoản tiếp thu gọn và áp lực của khối ngoại bán ròng tiếp tục gia tăng. Từ đó , chỉ số VN-Index có thể quay trở lại kiểm tra vùng 980 – 1.000 điểm.

Hai kịch bản cho VN-Index trong tháng 3: Vượt 1.050 điểm hay thủng ngưỡng 1.000? - Ảnh 3.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm