Tài chính

Hai cường quốc dầu khí Ả Rập Xê Út và Iran “bắt tay”: Cục diện năng lượng toàn cầu liệu có thay đổi?

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Vương quốc Ả Rập Xê Út và Cộng hòa Iran đã đưa ra một tuyên bố chung ở Bắc Kinh vào ngày 10/3. Ba nước tuyên bố rằng, Ả Rập Xê Út và Iran đã đạt được thỏa thuận, bao gồm đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai bên, mở lại các đại sứ quán và cơ quan đại diện của cả hai bên trong vòng hơn 2 tháng.

Theo số liệu thống kê mới nhất (2022) của tập đoàn dầu khí BP (Anh), kể từ năm 2020, trữ lượng dầu đã được kiểm chứng của Ả Rập Xê Út là 297,5 tỷ thùng, chiếm khoảng 17,2% trữ lượng toàn cầu, xếp thứ 3 thế giới. Dự trữ khí đốt tự nhiên là 60 nghìn tỷ m3, chiếm 3,2% trữ lượng toàn cầu, xếp thứ 8 thế giới.

Iran là quốc gia có trữ lượng dầu lớn thứ 4 thế giới, chỉ đứng sau Venezuela, Ả Rập Xê Út và UAE, và hầu hết thu nhập kinh tế đến từ hoạt động xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, do các lệnh trừng phạt của phương Tây, sản lượng dầu thô và lượng xuất khẩu của Iran đã giảm mạnh, và cũng không thể xuất khẩu bình thường.

Tạp chí tài chính Yicai (Trung Quốc) dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, với tư cách là những quốc gia sản xuất dầu khí lớn nhất ở khu vực Trung Đông, Ả Rập Xê Út và Iran đạt được thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao sẽ làm giảm bớt căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, giúp tăng cường kết nối chặt chẽ giữa các quốc gia sản xuất dầu chính, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nâng cao tiếng nói của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) về nguồn cung dầu thô toàn cầu, và sau đó có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ đối với giá dầu thô toàn cầu ở một mức độ nhất định.

Hai cường quốc dầu khí Ả Rập Xê Út và Iran “bắt tay”: Cục diện năng lượng toàn cầu liệu có thay đổi? - Ảnh 1.

Iran là quốc gia có trữ lượng dầu lớn thứ 4 thế giới. Ảnh: Getty

Hợp tác năng lượng mới

Theo tạp chí tài chính Yicai, trên thực tế, ngoài dầu mỏ, Ả Rập Xê Út và Iran có thể có một không gian rộng lớn hơn để hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng mới như khí đốt tự nhiên, năng lượng hạt nhân, năng lượng gió và quang điện.

Tôn Tố Nguyên - nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển khu vực và quan hệ quốc tế thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc) - nói với phóng viên Yicai rằng, cơ chế quyết định giá dầu thô và khí đốt tự nhiên là hoàn toàn khác nhau.

Theo bà Tôn, dầu thô là một sản phẩm tài chính quốc tế còn khí đốt tự nhiên dẫn qua đường ống có đặc điểm của hàng hóa khu vực, nhưng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã dần trở thành một mặt hàng giao dịch toàn cầu. Với những khu vực khác nhau, các lĩnh vực giao dịch khác nhau và điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, sẽ có nhiều mức giá khác nhau.

Bà Tôn nhận định, giá khí đốt tự nhiên quốc tế không được xác định bởi OPEC hoặc các quốc gia sản xuất dầu chính, bởi vậy, mối quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Iran có tác động tương đối hạn chế đến giá khí đốt tự nhiên.

Tuy nhiên, theo tạp chí tài chính Yicai, điều này không cản trở sự hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực năng lượng mới.

Tháng 4/2016, trong bối cảnh giá dầu toàn cầu giảm từ 115 USD/thùng xuống còn 33 USD/thùng, Ả Rập Xê Út đã chính thức công bố chiến lược "Tầm nhìn 2030", trong đó làm rõ các mục tiêu phát triển của nước này trong 15 năm tới, đó là quốc gia hạt nhân của Thế giới Ả Rập và Hồi giáo, trở thành cường quốc đầu tư toàn cầu, điểm kết nối ba châu lục Á – Âu – Phi, và phát triển mạnh mẽ năng lượng mới.

Hai cường quốc dầu khí Ả Rập Xê Út và Iran “bắt tay”: Cục diện năng lượng toàn cầu liệu có thay đổi? - Ảnh 2.

Các kỹ sư và nhà báo của Saudi Aramco khảo sát Nhà máy hóa lỏng khí đốt tự nhiên Hawiyah ở phía đông Ả Rập Xê Út vào ngày 28/6/2021. Ảnh: AP

Theo tạp chí tài chính Yicai, Ả Rập Xê Út rất giàu năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Sa mạc Nafud ở phía bắc, sa mạc Rub' al Khali ở phía nam và sa mạc Dahana ở phía đông đất nước này đều là những khu vực có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào và là cơ sở để xây dựng một nhà máy quang điện quy mô lớn. Đồng thời, giá đất tại Ả Rập Xê Út thấp, có thể tiết kiệm rất nhiều chi phí khi xây dựng các dự án quang điện.

Xét về năng lượng gió, tốc độ gió trên mặt đất trung bình hàng năm của Ả Rập Xê Út là 6-8 m/s và tốc độ gió trên mặt đất ở nhiều vùng của nước này cao hơn tốc độ gió kinh tế tiêu chuẩn (lớn hơn 7 mét/s).

Cách đây không lâu, tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) được tổ chức tại Shamhayh (Ai Cập) vào tháng 11/2022, Ả Rập Xê Út đã tuyên bố rằng, "sẽ đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; và đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 50% tổng sản lượng điện" . So với mục tiêu "phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060” được đề xuất trước đây, rõ ràng mục tiêu lần này đã được đẩy nhanh hơn.

Theo tạp chí tài chính Yicai, mặc dù Iran không đề xuất mục tiêu về năng lượng tái tạo hoàn chỉnh, lâu dài, nhưng thái độ tìm kiếm sự thay đổi là rất rõ ràng.

Vào năm ngoái, Bộ trưởng Năng lượng Iran Ali Akbar Mehrabian từng cho biết rằng, chính phủ Iran đã coi việc phát triển năng lượng tái tạo là ưu tiên đặc biệt. Sau khi khu vực tư nhân đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo, chính phủ nước này có nghĩa vụ hoàn trả vốn và lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Trong ngân sách năm 2022, Chính phủ Iran đã dành ra hơn 30 nghìn tỷ Rial (khoảng 105,4 triệu USD) để phát triển năng lượng tái tạo và đây là việc chưa từng có.

Nhà nghiên cứu Tôn Tố Nguyên nhận định rằng, áp lực kinh tế hiện tại của Iran rõ ràng là lớn hơn, cũng như thiếu vốn đầu tư để chuyển đổi năng lượng tái tạo. Trong trường hợp này, năng lượng hạt nhân có thể là hướng đi tốt nhất.

Theo bà Tôn, mặc dù Mỹ rất nhạy cảm với các vấn đề phát triển hạt nhân của Iran, nhưng Ả Rập Xê Út có thể trở thành “người gỡ bỏ nút thắt”. Nếu Ả Rập Xê Út muốn phát triển năng lượng hạt nhân, thái độ của Mỹ có thể sẽ rất khác, giống như việc Mỹ luôn ủng hộ Ấn Độ xây dựng cơ sở năng lượng hạt nhân dân dụng. Nếu Iran và Ả Rập Xê Út có mối quan hệ tốt đẹp, hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Hơn nữa, cũng theo bà Tôn, được thúc đẩy bởi hai nước lớn ở Trung Đông, khu vực này có thể hình thành một lưới điện chéo, từ đó, không chỉ giúp Iran mà cả Trung Đông “xanh hóa” nguồn năng lượng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm