Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tắc nghẽn dòng vốn hiện nay được các chuyên gia đánh giá là do nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương gợi ý một giải pháp khá mới lạ tại Toạ đàm "Giải pháp khơi thông thị trường vốn" diễn ra ngày 17/3, đó là "bảo hiểm trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)".
Theo ông Tú Anh, muốn phát triển bền vững phải củng cố niềm tin. Cốt lõi của thị trường hiện nay là niềm tin. Niềm tin xuất phát từ hai phần: Một là từ thị trường, tức là nhà đầu tư nhận định thị trường đang phát triển tốt, vĩ mô ổn định,... Thứ hai là niềm tin về các khoản đầu tư của nhà đầu tư được bảo vệ, luật pháp là công bằng với các bên.
Từ đó, có hai giải pháp để củng cố niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong đang giai đoạn phát triển như Việt Nam. Thứ nhất, để củng cổ niềm tin cần xếp hạng tín nhiệm.
Tuy nhiên, nếu lấy xếp hạng tín nhiệm quốc tế thì doanh nghiệp Việt Nam không bao giờ qua được xếp hạng quốc gia và hiện nay xếp hạng quốc gia của Việt Nam vẫn ở mức Ba3 hoặc BB+, mức này chưa phải là mức khuyến cáo đầu tư. Do đó, nếu lấy xếp hạng tín nhiệm quốc tế thì sẽ đưa thông điệp rất khác với thị trường trong nước.
Vì vậy, cùng quá trình phát triển như vậy, cần có xếp hạng tín nhiệm vẫn theo chuẩn quốc tế nhưng vẫn phải khuyến khích đầu tư. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam chúng ta cũng đang trong quá trình xây dựng tín nhiệm, uy tín của mình. Vì vậy, việc dựa vào xếp hạng tín nhiệm để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư là câu chuyện lâu dài cần bàn bạc và củng cố.
Hợp đồng Credit Default Swap
Theo ông Tú Anh, một định chế thứ hai cũng rất quan trọng là sự tham gia của bảo hiểm. Cần có những quỹ, định chế để bảo hiểm cho khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Một công ty kể cả không phải là công ty xếp hạng tín nhiệm nhưng có đủ tính chuyên nghiệp để đánh giá rủi ro của thị trường, đưa ra sản phẩm bảo hiểm. Nhà đầu tư một mặt mua trái phiếu một mặt mua bảo hiểm, khi có rủi ro thì nhà đầu tư có thể yêu cầu công ty bảo hiểm trả tiền.
Việc công ty bảo hiểm đứng ra đánh giá rủi ro, cam kết trái phiếu tốt hay không bằng việc đưa ra mức bảo hiểm phù hợp để nhà đầu tư mua sẽ tạo dựng niềm tin hơn rất nhiều. Đây là một định chế mà chúng ta cần phát triển.
Ông Tú Anh cũng lý giải mô hình này tương tự hợp đồng CDS (Credit Default Swap) trên thị trường quốc tế.
Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng trong tiếng Anh là Credit Default Swap.
Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng được biết đến với nhiều tên gọi khác như Hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng, Hợp đồng hoán đổi nợ xấu hay Hợp đồng bảo hiểm nợ xấu.
Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) là một công cụ tài chính hoặc hợp đồng cho phép nhà đầu tư hoán đổi hoặc bù đắp rủi ro tín dụng của mình với nhà đầu tư khác.
Khi các nhà đầu tư quốc tế khi mua trái phiếu Chính phủ họ thường mua một CDS, tức một dạng bảo hiểm, khi trái phiếu giảm thì các công ty CDS sẽ bán ra.
Mô hình CDS là một mô hình rất phổ biến trên thị trường, tại sao không nghĩ đến thị trường Việt Nam sẽ có một dạng CDS như vậy?, ông Tú Anh đặt vấn đề.
Bảo hiểm này là không bắt buộc, chỉ là một định chế mới mà nhà đầu tư có quyền lựa chọn, tạo điều kiện thị trường phát triển.
Chẳng hạn với các công ty xếp hạng tín nhiệm, khi họ rất tin tưởng vào một số mã nào đấy, có thể bán hợp đồng CDS cho các mã đó, còn các mã khác thì không. Rõ ràng, nếu định chế bảo hiểm sẵn sàng đứng ra bảo lãnh sẽ khẳng định trái phiếu của doanh nghiệp đó uy tín kể cả khi không có xếp hạng tín nhiệm.
Cần thiết hay không do thị trường quyết định
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm lưu ký (UBCKNN) thì nhắc lại câu chuyện bảo hiểm của tổ chức kinh doanh chứng khoán được đặt ra từ lúc xây dựng thị trường. Tức là từ hơn 20 năm trước đã bàn về việc có bảo hiểm cho khoản đầu tư chứng khoán hoặc công ty chứng khoán có bắt buộc phải mua bảo hiểm cho nhà đầu tư chứng khoán hay không?, ông Sơn cho hay.
Trở lại với thị trường TPDN, trái phiếu phát hành ra công chúng là loại trái phiếu chào bán theo điều kiện đã được cấp phép, có xếp hạng tín nhiệm, được quản lý chặt chẽ, phát hành cho người ít hiểu biết cho thị trường còn TPDN chào bán riêng lẻ là chào bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhà phát hành và trái chủ là những chủ thể có tương tác với nhau, có thể hiểu là sự dàn xếp tài chính giữa trái chủ và các tổ chức phát hành.
Vậy có cần thiết mua bảo hiểm cho khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hay không? Theo ông Sơn, tính cần thiết của hợp đồng này được cân nhắc với phí bảo hiểm tính vào giá vốn của TPDN.
Thông thường, TPDN phát hành với lãi suất 10 -11% thì giá mua vốn của doanh nghiệp đã lên tới 14 - 15%, vì vậy nếu cần thiết mua thì cũng có thể công ty bảo hiểm sẵn sàng bán nhưng giá vốn sẽ đội lên và với nhà đầu tư chuyên nghiệp có cần thiết phải làm việc này hay không, hay quá tốn kém để mua bảo hiểm, đó là câu chuyện thị trường sẽ giải quyết.
Khó khả thi vì chi phí quá cao
Bà Tạ Thanh Bình thì cho biết, thị trường chứng khoán Mỹ có một định chế được thành lập từ năm 1970 là quỹ bảo vệ nhà đầu tư. Quỹ này cũng có chức năng bảo hiểm cho khoản đầu tư nhưng không hẳn bảo hiểm cho giá trị khoản đầu tư mà bảo hiểm cho tài sản của nhà đầu tư trên tài khoản đó không bị mất vì những lý do vi phạm của các công ty chứng khoán (CTCK).
Các hành vi này bao gồm: Nhà đầu tư bị ăn cắp tiền trên tài khoản hoặc CTCK sử dụng trái phép chứng khoán của nhà đầu tư trên tài khoản khi đó, quỹ này sẽ đứng ra bảo hiểm cho nhà đầu tư thông qua cơ chế yêu cầu CTCK phải nộp khoản tiền nhất định vào quỹ này trước khi hoạt động.
Chứ quỹ này không thể bảo hiểm về giá trị của khoản đầu tư rằng lẽ luôn luôn có lãi hoặc không bị mất tiền do phụ thuộc vào chất lượng kinh doanh của tổ chức phát hành.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Trí Hiếu thì cho biết, tại Mỹ không có công ty bảo hiểm nào có thể đứng ra bảo hiểm cho giá trị khoản đầu tư TPDN bởi chi phí rất cao. Vì vậy, với TPDN chỉ có ngân hàng đứng ra bảo lãnh để nhà đầu tư tin tưởng. Mô hình bảo hiểm trái phiếu doanh nghiệp khó có thể áp dụng và không khả thi do chi phí rất cao.
Mặc dù chưa xuất hiện mô hình bảo hiểm TPDN tại Việt Nam, song trên thực tế đã có một số mô hình tương tự. Đơn cử như Quỹ Bảo lãnh tín dụng đầu tư ASEAN+3 (CGIF) hoạt động dưới hình thức quỹ tín thác do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quản lý và duy trì mức hệ số tín nhiệm AA+. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu có phí phát hành không hề nhỏ.
Quỹ CGIF hoạt động dựa trên nguồn góp vốn của Chính phủ các nước ASEAN+3 sẽ cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí cần thiết khi huy động vốn qua phát hành trái phiếu.