Mới đây, tại Hội nghị Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2023 do Bộ GD-ĐT tổ chức, đại diện ĐH Thủ đô (Hà Nội) cho biết, các trường sư phạm địa phương hiện đang gặp khó khăn trong việc giải quyết phần kinh phí hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên. Từ năm học 2021 -2022 đến nay, khi Nghị định 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm chính thức được áp dụng, ĐH Thủ đô vẫn chưa nhận được kinh phí để trả cho sinh viên.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, Nghị định 116 đã quy định rõ các trường đại học, cao đẳng sư phạm địa phương thì tỉnh, thành phố chi trả kinh phí. Đồng thời, Luật Ngân sách không cho phép ngân sách trung ương cấp trực tiếp về các trường đại học, cao đẳng địa phương. Với trường hợp của ĐH Thủ đô, Thành phố Hà Nội cần có trách nhiệm chi trả kinh phí này cho trường.
Thứ trưởng Sơn cũng khẳng định, trong năm học này, địa phương nào không cấp kinh phí theo Nghị định 116 thì Bộ GD-ĐT sẽ không cấp chỉ tiêu cho các trường thuộc địa phương đó. Việc giải quyết tiền trợ cấp cho sinh viên là trách nhiệm của cả nhà trường và địa phương.
Trao đổi với VOV.VN về nội dung này, ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, Bộ GD-ĐT khẳng định khoản ngân sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 thuộc về trách nhiệm của địa phương là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, Nghị định 116 cũng quy định việc cấp ngân sách cần dựa trên cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội
“Chỉ khi địa phương có giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu thì mới có cơ sở để thông qua chi ngân sách, việc này phải đúng quy trình, minh bạch. Nhưng với Hà Nội năm học 2021-2022 chưa hề giao nhiệm vụ, đặt hàng với ĐH Thủ đô. Thời điểm Nghị định 116 ban hành và áp dụng gần như kế hoạch tuyển sinh đã hoàn tất, do đó địa phương không kịp đặt hàng, như vậy không có cơ sở để chi. Tuy nhiên, nhà trường vẫn đào tạo theo nhu cầu xã hội, đến nay thành phố đã có quyết định về việc giao bổ sung kinh phí cho trường ĐH Thủ đô để cấp cho sinh viên, Sở Tài chính đã đưa vào dự toán ngân sách và đang đợi chi”, ông Hùng cho biết.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, năm học 2023-2024, Thành phố Hà Nội đăng ký chỉ tiêu đặt hàng với Bộ GD-ĐT là 2.883 chỉ tiêu ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên con số thực tế còn cần dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh của trường được giao, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Thủ đô và số lượng thí sinh đang ký nhận trợ cấp này.
“Có một số thí sinh không đăng ký hưởng chính sách hỗ trợ, như vậy thành phố cũng sẽ không thể đặt hàng, giao chỉ tiêu đấu thầu với số thí sinh này”, ông Hùng nói.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết thêm, chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên hàng năm sẽ thay đổi theo số giáo viên về hưu, chuyển công tác, số lượng học sinh tăng lên. Với số lượng giáo viên thành phố hiện có, số sinh viên đã tốt nghiệp sư phạm và đang đào tạo thì đảm bảo đủ giáo viên trong những năm tới.
Nói thêm về việc thực hiện, triển khai Nghị định 116, ông Đinh Mạnh Hùng cho rằng, đây là chính sách tốt, giúp đào tạo được đội ngũ giáo viên ra nghề đáp ứng nhu cầu của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các địa phương miền núi, khu vực vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Song quá trình triển khai vẫn còn một số vướng mắc. Cụ thể, quá trình giao chỉ tiêu, đặt hàng, đấu thầu đến chi ngân sách không gặp khó, nhưng các địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn khi sinh viên tốt nghiệp mà không làm việc trong các cơ sở giáo dục. Khi đó, địa phương sẽ phải đòi lại khoản tiền hỗ trợ.
“Việc này rất khó khăn. Chính quyền địa phương không phải cấp đi thu hồi khoản tiền này, nếu sinh viên nhận hỗ trợ nhưng không đáp ứng theo yêu cầu của Nghị định 116 là trong vòng 2 năm sau khi tốt nghiệp phải làm việc tại các cơ sở giáo dục, nếu không sẽ phải hoàn trả lại khoản tiền đã nhận, chính quyền địa phương phải đứng ra thu hồi. Sẽ phải thu hồi thế nào trong khi sinh viên ra trường còn khó khăn, việc làm chưa có? Nếu địa phương không thu hồi được đồng nghĩa với việc làm thất thoát ngân sách Nhà nước
Bên cạnh đó, dù địa phương đã đặt hàng các trường đào tạo theo Nghị định 116, nhưng sau khi tốt nghiệp vẫn phải thi tuyển bình thường theo quy định của Nghị định 115 và Thông tư 06 của Bộ Nội vụ. Như vậy nếu quy trình tuyển dụng này anh không trúng tuyển vào được các cơ sở giáo dục thì số tiền đã nhận vẫn phải trả lại”, ông Hùng băn khoăn.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cũng cho rằng, mức hỗ trợ theo Nghị định 116 với sinh viên sư phạm không nên cào bằng giữa các địa phương, ở các khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, miền núi còn thiếu giáo viên nên xem tăng mức hỗ trợ để thu hút sinh viên.
Từ những vướng mắc trên, ông Đinh Mạnh Hùng kiến nghị, Nhà nước nên xem xét rót tiền vốn hỗ trợ cho sinh viên sư phạm thông qua hệ thống các ngân hàng chính sách. Ngân hàng cấp tiền hỗ trợ cho sinh viên dưới dạng khoản vay. Trong vòng 2 năm sau khi tốt nghiệp theo đúng quy định trong Nghị định 116, nếu sinh viên đáp ứng yêu cầu, làm việc trong ngành giáo dục thì khoản vay trên sẽ được tự động xóa. Trường hợp sinh viên không đáp ứng yêu cầu, ngân hàng sẽ thu hồi khoản vay đã cấp.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, cách làm này sẽ giúp đơn giản hóa, minh bạch chính sách hỗ trợ, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho sinh viên cũng như giảm áp lực cho các địa phương.
Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định:
Điều 4. Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ
1. Mức hỗ trợ:
a) Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học;
b) Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
2. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ. Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khóa học theo năm học.