Ở nhiều quốc gia trên thế giới, xu hướng già hóa dân số đang gia tăng áp lực lên hệ thống phục lợi, quỹ bảo hiểm xã hội khi người nghỉ già nghỉ hưu ngày một tăng lên trong khi lực lượng lao động thu hẹp.
Theo ông Phạm Lưu Hưng (Mr. X30), Kinh tế trưởng, Trưởng Ban đào tạo và Phát triển Chứng khoán SSI chia sẻ trong chương trình Bí mật đồng tiền, một thực tế hiện nay là mô hình phúc lợi xã hội hay bảo hiểm xã hội mang tính tái phân phối thu nhập xã hội, tức những người đang đi làm chính là người trả lương cho người đang nghỉ hưu. Trong khi một mô hình bền vững là người lao động được hưởng dựa trên số tiền đã đóng.
Tới đây, một giải pháp tài chính để giải quyết câu chuyện già hóa dân số đang lan rộng, không còn chỉ là câu chuyện của các quốc gia châu Âu mà đang lan sang những nền kinh tế lớn khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… được bàn tới.
Trong mô hình hệ thống hưu trí của Ngân hàng Thế giới (WB), hệ thống được chia làm 5 trụ cột. Trong đó, trụ cột số 0 là phúc lợi xã hội, người dân không đóng góp nhưng Chính phủ có những phúc lợi như là xóa đói giảm nghèo, hình thức hỗ trợ người hết tuổi lao động mà không có thu nhập. Trụ cột 1 là bảo hiểm xã hội, đây là dạng quỹ hưu trí do nhà nước quản lý. Trụ cột 2 là dạng quỹ tương tự do tư nhân quản lý. Trụ cột 3 là quỹ hưu trí tự nguyện, đang phát triển khá nhiều trên thế giới, trong đó quốc gia láng giếng Việt Nam như Trung Quốc.
“Trụ cột 3 cần phát triển rất mạnh bởi vì về lâu về dài khi dân số già đi, việc tham gia trụ cột số 0, số 1 trở nên khó hơn”, Kinh tế trưởng SSI bày tỏ quan điểm.
Vậy mô hình quỹ hưu trí tự nguyện là gì?
Ông Hồ Minh Trí, Giám đốc Phát triển kinh doanh SSIAM định nghĩa, quỹ hưu trí tự nguyện là dạng quỹ tạo ra rổ tiền chung, thỏa thuận giữa doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động. Hai bên có thể cùng đóng góp vào rổ tiền chung với mục đích tích cóp hàng tháng một khoản tiền đóng góp nào đó trong một khoảng thời gian 10 năm, 20 năm. Số tiền đó sẽ được mang đi đầu tư tạo ra mức lợi nhuận hàng năm, lợi nhuận đó sẽ được mang đi tái đầu tư qua từng năm.
“Sau thời gian đầu tư như vậy, người lao động được hưởng thành quả đầu tư trong quá trình tích cóp hàng tháng, như vậy sẽ tạo ra giá trị lợi nhuận ngoài vốn ra còn có lợi nhuận từ lãi kép đã tích lũy, giúp tạo kỷ luật cho người lao động. Nếu không có quỹ, nhà đầu tư có thể đem tiền đi gửi ngân hàng nhưng không có sự kỷ luật hàng tháng góp vào. Quỹ hưu trí tự nguyện tương tự như quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cả hai bên gồm doanh nghiệp và người lao động như chúng ta đang đi làm vẫn phải đóng góp nhưng khác nhau về tính chất”.
Mô hình quỹ hưu trí tự nguyện có sự linh hoạt thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, có thể cả hai cùng đóng góp vào quỹ mang tính chất tự nguyện hay là doanh nghiệp có thể trả hết cho người lao động vì môi trường còn mới. Ở châu Âu hay Mỹ, tất cả những quỹ đó người lao động tham gia đóng góp vì đem lại giá trị trong tương lai. Ở Việt Nam mô hình còn mới, tính linh hoạt tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp khuyến khích người lao động thụ hưởng sản phẩm này. Nhưng về lâu về dài, khi người lao động hiểu sẽ tự nguyện gia tăng đóng góp để gia tăng lần lương hưu cho tương lai khi đến tuổi nghỉ hưu, ông Trí cho biết.
Quỹ hưu trí tự nguyện sẽ đầu tư như thế nào?
Về nguyên tắc đầu tư, Giám đốc Phát triển kinh doanh SSIAM cho biết quỹ hưu trí tự nguyện sẽ phải phân bổ tài sản tối thiểu 50% tài sản của quỹ vào trái phiếu chính phủ, phần còn lại được đầu tư vào chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư khác (có thể là quỹ đại chúng, quỹ trái phiếu) hoặc một phần phân bổ vào chứng chỉ tiền gửi, gửi ngân hàng, một phần nhỏ đầu tư vào chứng chỉ quỹ cổ phiếu để tận dụng xu hướng đi lên của thị trường cổ phiếu, từ đó giúp gia tăng tỷ suất lợi nhuận tốt hơn phần trái phiếu.
“Xét về mặt an toàn thì quỹ khá an toàn vì phần lớn giá trị tài sản đầu tư vào trái phiếu chính phủ, cũng như chứng chỉ quỹ trái phiếu và tiền mặt gửi ngân hàng”, ông Hồ Minh Trí nói.
Khi lợi nhuận tương đồng với rủi ro, những phân lớp tài sản an toàn như trên sẽ không đem lại mức lợi suất cao cho những người tham gia. Do đó, ông Hồ Minh Trí cho rằng mô hình quỹ hưu trí tự nguyện không mang tính chất lợi nhuận vượt trội mà có tính nhân văn, để người lao động nghĩ về quãng thời gian khi hết độ tuổi lao động, và cũng là yếu tố gắn kết doanh nghiệp và người lao động, tạo ra một nơi đáng để làm việc.
Tuy nhiên với nhiều nhà đầu tư, mức sinh lợi của quỹ được đặc biệt quan tâm. Thông thường là phép so sánh với mức lãi suất gửi tiết kiệm của các ngân hàng.
Nhưng theo Kinh tế tưởng của SSI, việc so sánh lợi suất của quỹ đầu tư với lãi suất gửi tiết kiệm cần xem xét trên một khoảng thời gian dài có thể lên đến 10 năm, 15 năm, 20 năm thay vì mang tính thời điểm.
Song về dài hạn, xét khía cạnh mặt kinh tế học, khi dân số xu hướng già đi, mặt bằng lãi suất sẽ giảm bởi vì khi dân số già đi phần tiền trong cư dân rất lớn, người dân sẽ không đầu tư vào sản xuất kinh doanh nữa vì người già có xu hướng giảm mức đầu tư, hơn nữa tiêu dùng cũng kém hơn nên việc tăng trưởng kinh tế rất khó. Lúc đó chính phủ thường phải đưa ra các giải pháp hỗ trợ, mặt bằng lãi suất sẽ phải thấp và duy trì khá lâu, ông Phạm Lưu Hưng cho biết.