Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán BIDV(BSC) đề cập đến chỉ số PMI tháng 8 đạt 50,5 điểm, tăng từ mức 48,7 điểm của tháng 7 khi đã có một số dấu hiệu phục hồi: sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới tăng.
Hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại, tuy nhiên sự cải thiện vẫn thấp do lực cầu yếu. Hoạt động sản xuất trong tháng 8 chứng kiến những dấu hiệu đầu tiên của sự hồi phục, tuy nhiên theo BSC, vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng hoạt động sản xuất đã ở trạng thái phục hồi toàn vẹn.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 tăng 2,87% so với tháng 7 và 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn đang giảm 0,45% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo – động lực chính của sản xuất công nghiệp tăng 4,52% so với tháng trước và 3,48% so với cùng kỳ trong tháng 8, trung bình giảm 0,65% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm.
Trong số các ngành sản xuất, chỉ số sản xuất công nghiệp của các ngành dệt, sản xuất sợi, sản xuất kim loại, sản xuất sắt thép gang, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế đã có diễn biến tăng mạnh trở lại so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất của các ngành sản xuất gỗ, sản xuất trang phục đã quay trở lại tăng trưởng dương trong tháng 8 này.
Sử dụng lao động công nghiệp toàn ngành giảm 2,88% so với cùng kỳ (chế biến chế tạo giảm 3,10% so với cùng kỳ) tuy vẫn tăng trưởng âm nhưng đà giảm đã thu hẹp.
Cũng theo BSC, xuất khẩu cho thấy dấu hiệu tạo đáy. Xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước và giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu giảm 9,98%; trong khi nhập khẩu giảm 16,2%. Cán cân thương mại 8 tháng ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.
Theo khảo sát PMI, lượng đơn đặt hàng mới ở các thị trường xuất khẩu đã tăng trở lại sau 5 tháng, dù nhìn chung nhu cầu vẫn còn yếu.
BSC cho rằng sự kiện Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam (dự kiến ngày 10/9) có thể là thông tin tích cực đối với quan hệ thương mại hai nước.
Nhóm phân tích cũng nâng kịch bản cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2023. Kịch bản tích cực được đánh giá cao hơn. Theo đó, xuất khẩu có thể giảm 7,5% và nhập khẩu có thể giảm 14,5%. Ở kịch bản tiêu cực, xuất khẩu có thể giảm 15,7% và nhập khẩu giảm 18,5%.