Doanh nghiệp

FPT không có định hướng niêm yết quốc tế, đặt mục tiêu tăng trưởng 20%/năm ở thị trường nước ngoài

Ghi nhận tại Hội thảo Ngày Doanh Nghiệp Việt Nam Goldman Sachs & SSI tổ chức, SSI Research cho biết Tập đoàn FPT (Mã: FPT) xác nhận với nhà đầu tư sẽ không tiếp nối con đường của VinFast là niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán lớn hơn tại nước ngoài.

Tập đoàn FPT đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng mảng công nghệ thông tin (CNTT) nước ngoài là 20%/năm, trong đó Nhật Bản sẽ tiếp tục là thị trường đóng góp sự tăng trưởng ổn định nhất trong số các thị trường của công ty.

Đối với mảng giáo dục, FPT cũng khá lạc quan về mức tăng trưởng 30%/năm, vì công ty nhận thấy các trường công lập ở trong nước chưa hoàn toàn đáp ứng hết nhu cầu giáo dục. Đây là lý do khiến FPT đặt kế hoạch giải ngân 1.700 tỷ đồng cho 3 trường đại học mới và 7 trường K-12 trong năm 2023, đồng thời FPT dự kiến sẽ giải ngân thêm trong những năm tới để tận dụng cơ hội ở mảng hoạt động này.

Đối với băng thông rộng và PayTV, FPT lo ngại về khả năng ARPU (doanh thu trung bình trên mỗi người dùng) giảm trong năm 2023 do tập đoàn đang mở rộng thị trường vào các thành phố có cấp đô thị thấp hơn, nhưng mảng này sẽ được hỗ trợ bởi lượng khách hàng ổn định.

Cuối cùng, FPT kỳ vọng mức lương kỹ sư CNTT trong nước sẽ tăng 8 - 9%/năm do nhu cầu lao động trong ngành CNTT đang cao.

Trong báo cáo công bố cuối tháng 8, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận thấy triển vọng duy trì động lực tăng trưởng mạnh của FPT đến từ hai thị trường Nhật và Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) trong 2023 - 2024, song song với nhu cầu chi tiêu CNTT ở Mỹ cho tín hiệu hồi phục trở lại. Ngoài ra, khối giáo dục tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng cao của năm 2022 cũng là điểm tích cực cho tăng trưởng của FPT.

Thị trường Nhật Bản/APAC: Nhu cầu lớn, động lực tăng trưởng chính cho FPT

BSC cho rằng thị trường Nhật/APAC sẽ duy trì mức tăng trưởng cao của năm 2023 - 2024. Đối với thị trường Nhật Bản, giải pháp chuyển đổi số, bảo trì hệ thống của FPT có chi phí tiết kiệm thấp hơn 50% so với khách hàng tự bảo trì, thấp hơn 20% so với các đối thủ khác (Trung Quốc, Ấn Độ,…).

Bên cạnh đó, thị trường Nhật Bản có đặc tính là khối lượng hợp đồng, đơn hàng mới sẽ được giao dựa trên sự hài lòng và chất lượng của đối tác trong quá khứ, do vậy, các nhà phân tích kỳ vọng với dịch vụ tốt và tiết kiệm chi phí của FPT sẽ duy trì đà tăng mạnh của thị trường này trong nửa cuối năm 2023 và 2024.

Thứ ba là, nhu cầu chi tiêu cho CNTT của Nhật Bản đang lớn trong giai đoạn 2023 – 2024. Khảo sát của tờ The Japan Times chỉ ra rằng phần lớn các doanh nghiệp sẽ tập trung vào chuyển đổi số trong giai đoạn 2023 – 2024 để tiết kiệm chi phí nhân công, giảm phát thải cacbon và bắt kịp các nước trong khu vực Châu Á và G7.

 

Đối với thị trường APAC, nhu cầu lớn chuyển đổi lớn từ lưu trữ vật lý lên đám mây tại khu vực APAC, khi các ứng dụng điện toán đám mây được kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trung bình 30% trong giai đoạn từ nay đến 2026.

Ngoài ra, FPT đã mở thêm văn phòng tại các thị trường có khả năng phục hồi tốt để duy trì tăng trưởng tại thị trường APAC (Hàn Quốc, Indonesisa, Trung Quốc,…) Đồng thời, công ty đã thành công ký hợp đồng bảo trì với hai hãng xe lớn Honda, Kia. 

Nhu cầu chi tiêu cho CNTT tại Mỹ có xu hướng hồi phục trở lại trong tháng 8, dựa trên 2 yếu tố là chỉ số chi tiêu cho CNTT tại Mỹ tháng 8 bằng 14,6, tăng 11,7 điểm so với tháng 7 và trở lại gần vùng đỉnh của năm 2023. Làn sóng sả thải nhân sự CNTT tại Mỹ cũng đã kết thúc. Tổng số lượng nhân viên CNTT bị sa thải trong tháng 8 bằng 7.452 người (giảm 30% so với tháng trước và giảm 42% so với cùng kỳ), trở lại gần vùng giai đoạn đầu năm 2022.

 

Do vậy, các nhà phân tích kỳ vọng đơn hàng ký mới của FPT tại thị trường Mỹ sẽ có sự hồi phục trong quý IV/2023 và tạo đà tăng trưởng năm 2024 do các đơn hàng ký mới trong quý cuối năm sẽ chủ yếu được ghi nhận trong nửa đầu 2024.

Riêng đối với triển vọng hai quý cuối năm nay, BSC cho rằng mức tăng trưởng của thị trường Mỹ sẽ chưa có nhiều sự cải thiện so với đầu năm 2023 do đơn hàng ký mới ghi nhận giảm trong quý II và tháng 7/2023.

Xét trong trung và dài hạn, thị trường Mỹ là thị trường có dư địa tăng trưởng rất lớn với chi tiêu CNTT hàng năm đã đạt đến hơn 2.000 tỷ USD trong năm 2022 (theo Statista). Do vậy, BSC đánh giá đây là thị trường chiến lược, sẽ giúp FPT duy trì đà tăng trưởng trong giai đoạn 2024 – 2025.

Khối giáo dục: Tận dụng cơ hội khi nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao thiếu hụt

Các nhà phân tích duy trì quan điểm mảng giáo dục của FPT sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh và gia tăng tỷ lệ đóng góp vào lợi nhuận trước thuế của FPT trong nửa cuối 2023 - 2024 nhờ nhu cầu nhập học lớn do thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao tại Việt Nam. Theo Bộ Thông tin và Truyền Thông trung bình mỗi năm Việt Nam thiếu khoảng 200.000 nhân lực CNTT, và ngành giáo dục là ngành ít bị chịu tác động từ nền kinh tế.

Thứ hai, FPT duy trì mở rộng thêm các cơ sở giáo dục ở các tỉnh, địa phương trên cả nước. Ở các tỉnh, địa phương mà FPT ký kết hợp tác chuyển đổi số thường đi kèm thỏa thuận thiết lập cơ sở giáo dục như Hà Nam, Đà Nẵng,… Do vậy, BSC cho rằng con số 28 tỉnh thành FPT thực hiện ký kết trong hai quý đầu năm 2023 sẽ tiền đề cho FPT mở rộng thêm các campus và duy trì đà tăng trưởng trong 2024 và dài hạn.

 

Khối viễn thông: Thị trường bão hòa

Đối với khối viễn thông, BSC cho rằng khối này khó đạt tăng trưởng mạnh do mảng dịch vụ băng thông rộng đã bão hòa và duy trì thế chân vạc giữa 3 nhà mạng VNPT (40,5% thị phần), Viettel (40,14% thị phần) và FPT (18,87% thị phần).

Động lực tăng trưởng trong 2024 của mảng này sẽ chủ yếu đến từ tăng trưởng của PayTV nhờ FPT hiện tại đang tập trung đầu tư mua bản quyền các chương trình giải trí ngoài thể thao và kỳ vọng trong 2024, PayTV sẽ thu hút thêm được nhiều thuê bao đăng ký.

Bên cạnh đó, FPT mở rộng các trung tâm dữ liệu (Data center), riêng trung tâm ở TP HCM được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động trong quý IV/2024 và sẽ hỗ trợ cải thiện mức biên lợi nhuận của mảng viễn thông do biên thuần của trung tâm là khoảng 30% so với mức 16 -17% của khối viễn thông.

BSC dự phóng doanh thu thuần của FPT năm 2023 sẽ đạt 53.029 tỷ đồng, và lợi nhận ròng 6.404 tỷ đồng, cùng tăng trưởng 20% so với năm trước. Đối với năm 2024, con số dự báo lần lượt là 63.860 tỷ đồng và 7.741 tỷ.

 Nguồn: BSC Research.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm