Sau 5 năm thực hiện, dự án Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (SGREEE) sẽ kết thúc hoạt động vào cuối tháng 6. Ngày 23/6, Cục Điều tiết điện lực và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ đã phối hợp tổ chức lễ tổng kết dự án tại Hà Nội.
Dự án được Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức (BMZ) ủy quyền cho GIZ thực hiện từ năm 2017 trong khuôn khổ Sáng kiến công nghệ khí hậu của Đức (DKTI). Khi dự án bắt đầu triển khai, Việt Nam chưa đưa ra cam kết thực hiện mục tiêu Net zero.
Với các cam kết mạnh mẽ của chính phủ tại Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26), Việt Nam đang tích cực hiện thực hóa quá trình chuyển dịch năng lượng hiệu quả, trong đó việc chuyển đổi cơ sở hạ tầng năng lượng bao gồm cả việc nâng cấp lưới điện truyền thống trở thành lưới điện thông minh là điều cần thiết. Để đảm bảo thực hiện thành công quá trình chuyển dịch năng lượng, Việt Nam cần rà soát và cập nhật chiến lược phát triển lưới điện thông minh (gọi tắt là Lộ trình lưới điện thông minh) sau 10 năm thực hiện chiến lược này.
Nhằm hỗ trợ Việt Nam, dự án SGREEE đã đưa ra khuyến nghị để cải thiện khung pháp lý liên quan, đồng thời nâng cao năng lực của các bên liên quan để có thể làm chủ công nghệ mới và đảm bảo hiệu quả đầu tư. Dự án tập trung vào việc tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện - bước quan trọng đầu tiên hướng tới quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Ông Markus Bissel, Giám đốc dự án SGREEE, cho biết quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong khi quốc gia phải thực hiện mục tiêu tăng trưởng các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, các mục tiêu kinh tế - xã hội và giảm phát thải CO2. Trong giai đoạn đầu, quá trình chuyển dịch năng lượng đặt ra cho Việt Nam nhiều vấn đề cốt lõi cần giải quyết.
"Vì vậy, dự án đã thành công trong việc đưa đội ngũ nhân sự của ngành điện tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực điều tiết lưới điện hiện đại. Dự án cũng đã hỗ trợ Cục Điều tiết điện lực rà soát các quy định hiện hành nhằm hỗ trợ triển khai lưới điện thông minh. Trong số đó, chúng tôi mong rằng những đề xuất của dự án sẽ thực sự hữu ích đối với việc sửa đổi Lộ trình phát triển Lưới điện thông minh - một tài liệu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược cho phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam", ông nói thêm.
Sau 5 năm thực hiện, dự án SGREEE đã đạt được nhiều thành công, tập trung vào 3 lĩnh vực chính: hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, nâng cao năng lực và hợp tác kỹ thuật.
Với lĩnh vực hoạt động thứ nhất - Hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, dự án đã hỗ trợ cung cấp thông tin và tư vấn chiến lược cho Cục Điều tiết điện lực và các bên liên quan nhằm cải thiện khung pháp lý của Việt Nam trong lĩnh vực lưới điện thông minh, trong đó bao gồm việc đề xuất cập nhật lộ trình lưới điện thông minh, đề xuất sửa đổi luật điện lực và thúc đẩy chương trình điều chỉnh phụ tải ở Việt Nam. Tất cả những hoạt động này sẽ phục vụ cho mục tiêu chuyển dịch năng lượng và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực Nâng cao năng lực, dự án SGREEE đã thành lập website Trung tâm Chia sẻ Kiến thức Việt Nam về lưới điện thông minh và Cộng đồng Lưới điện Thông minh Việt Nam trên Facebook với gần 1.000 thành viên. Dự án đã tổ chức thành công sự kiện Tuần lễ Lưới điện Thông minh Việt Nam 2019 - sự kiện cấp quốc gia đầu tiên của Việt Nam về phát triển lưới điện thông minh.
Ở lĩnh vực Hợp tác công nghệ, trong khuôn khổ dự án, các chuyên gia ngành điện đã được học hỏi, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về các giải pháp công nghệ hiện đại đối với hệ thống cung cấp điện thông minh ở tầm quốc tế, chia sẻ các góc nhìn sâu hơn về những lợi ích mà các giải pháp này có thể mang lại cho ngành điện Việt Nam. Trong số các giải pháp, dự án SGREEE đã giới thiệu một cách toàn diện về công nghệ Nhà máy điện ảo (VPP) - công cụ quan trọng để theo dõi, dự báo và kiểm soát từ xa một số lượng lớn nguồn năng lượng tái tạo phân tán.
Cùng ngày, dự án SGREEE cũng tổ chức Hội thảo tổng kết nghiên cứu "Thiết kế chương trình điều chỉnh phụ tải điện Việt Nam". Hội thảo đã đưa ra khuyến nghị về các cơ chế hỗ trợ trực tiếp và phân tích giá cũng như mô hình đơn vị dịch vụ điều chỉnh phụ tải để thúc đẩy chương trình điều chỉnh phụ tải, nhằm góp phần giảm tải cao điểm trên hệ thống lưới điện quốc gia và của địa phương, cũng như quản lý lưới điện hiệu quả tại những khu vực tập trung nhiều nhà máy năng lượng tái tạo.
(Ảnh: GIZ Việt Nam)