Thời sự

Hà Nội đề xuất cho xe khách, xe buýt thường đi vào làn BRT

Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuyến buýt nhanh BRT01 lộ trình bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã dài 14,77km, đi vào hoạt động từ năm 2016. Hiện tại, buýt BRT đang được chạy trên làn riêng tại các đoạn: Ba La - Quang Trung - Lê Trọng Tấn-đường trục Bắc Hà Đông -Tố Hữu- Lê Văn Lương- Láng Hạ- Giảng Võ; các đoạn đi hỗn hợp với các phương tiện khác gồm đoạn bến xe Yên Nghĩa – Ngã ba Ba La, đoạn Giang Văn Minh - Kim Mã.

Với các đoạn tuyến BRT được bố trí chạy trong làn dành riêng có vạch sơn kết hợp với lắp dải phân cách cứng tại 3 nút giao thông, các đoạn này gồm: Giảng Võ, Hoàng Đạo Thúy và Khuất Duy Tiến; Các nút giao thông được bố trí pha đèn và tổ chức phù hợp, tạo điều kiện cho BRT vận hành, trên toàn tuyến duy trì cấm xe dừng đỗ và cấm taxi vận hành trong giờ cao điểm.


Thực trạng giao thông trên tuyến, Sở GTVT cho biết, tuyến BRT là trục xuyên tâm, do tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông tại các nút giao làm giảm hiệu quả hoạt động của tuyến buýt nhanh BRT. Một số nút giao thường xuyên ùn ứ gồm: Lê Văn Lương- Khuất Duy Tiến; Tố Hữu- Trung Văn; Tố Hữu- Vũ Trọng Khánh.

Từ thực tế trên, Sở GTVT cho biết, để giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến, tăng hiệu quả khai thác hệ thống hạ tầng giao thông hiện có trên tuyến, Sở GTVT Hà Nội đề xuất thành phố Hà Nội trên làn đường dành riêng cho xe buýt BRT cho phép các phương tiện lưu thông vào gồm xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường được lưu thông vào.

Để thực hiện được phương án này Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị, hợp phần xe buýt nhanh BRT01 từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ do vậy thành phố cần có ý kiến thống nhất với WB. Trước mắt cho thực hiện thí điểm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm