Chứng khoán

VN30 mất 19% so với đầu năm, vẫn có 5 cổ phiếu thành viên đi lên

Một cửa hàng trang sức PNJ tại Hà Nội.

Phiên 23/6, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực khi các chỉ số đều đóng cửa trong sắc xanh. VN-Index kết phiên ở 1.188,88 điểm, tương đương tăng 1,68%. HNX-Index và UPCoM-Index đi lên lần lượt 2,89% và 1,25%.

Mặc dù vậy, nếu so với mức cuối năm 2021, cả 4 chỉ số chính đều đang giảm sâu, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. HNX-Index thiệt hại nặng nề nhất khi mất tới hơn 40%, chủ yếu do các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn như THD và CEO lao dốc.

 HNX-Index là chỉ số giảm mạnh nhất trong 4 chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giá cổ phiếu THD từng lập đỉnh lịch sử 277.000 đồng/cp vào ngày 31/12/2021, cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam vào thời điểm đó và tương ứng với vốn hóa gần 97.000 tỷ đồng (4,2 tỷ USD). Hiện nay, giá THD giảm còn 57.300 đồng/cp, tương đương vốn hóa 20.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Thụy, người sáng lập Thaiholdings, mới đây đã đã bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu THD, thu về ước tính khoảng 3.400 tỷ đồng.

Tương tự, cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O cũng lao dốc từ đỉnh 92.500 đồng/cp thiết lập vào ngày 7/1 xuống còn 28.400 đồng/cp hiện nay, tức mất hơn 2/3 giá trị trong chưa đầy nửa năm.

Chỉ số VN30-Index giảm ít nhất trong 4 chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng cũng mất hơn 19% so với đầu năm.

Nhiều cổ phiếu vốn hóa khủng và chiếm tỷ trọng lớn (đã điều chỉnh theo tỷ lệ tự do chuyển nhượng free-float) giảm sút đã kéo tụt chỉ số VN30. Những nhân tố tác động tiêu cực nhất bao gồm: HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm gần 39%, TCB của Techcombank sụt hơn 28%, cặp cổ phiếu họ Vingroup là VIC và VHM đều giảm trên 22% và có tỷ trọng vốn hóa lớn.

Mặc dù vậy, vẫn có 5 cổ phiếu blue chip ghi nhận sắc xanh so với đầu năm là PNJ, GAS, FPT, MWG và SAB. Các cổ phiếu này đều có P/E trong khoảng 20 - 25 lần như thể hiện trong bảng thống kê dưới đây.

Đa số cổ phiếu trong VN30 đều giảm giá so với đầu năm 2022.

Cổ phiếu PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận hiện có giá khoảng 123.000 đồng/cp, rất gần với đỉnh lịch sử 127.830 đồng/cp thiết lập hôm 9/6.

Ngày 23/6 vừa qua là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt của PNJ tỷ lệ 6%, tương đương 600 đồng/cp. Công ty hiện có hơn 242 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi khoảng 145 tỷ đồng để trả cho cổ đông.

Tháng 5 vừa qua, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 2.671 tỷ đồng và lãi sau thuế 141 tỷ, tăng trưởng lần lượt 68% và 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng, công ty của Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung đạt doanh thu thuần 15.583 tỷ và lãi sau thuế hơn 1.000 tỷ, cùng tăng gần 47%.

Cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam đi lên trong bối cảnh bất ổn địa chính trị xoay quanh xung đột Nga – Ukraine đẩy giá nhiên liệu thế giới đi lên. Moscow cắt nguồn cung khí đốt tới một số nước châu Âu bị coi là “không thân thiện” nên các nước này phải tìm khí đốt ở nơi khác.

Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, PV GAS ước tính tổng doanh thu đạt 54.561 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế gần 8.677 tỷ, lãi sau thuế gần 6.920 tỷ, tăng lần lượt 56% và 59% so với nửa đầu năm 2021.

Năm 2022, PV GAS đặt kế hoạch doanh thu 80.044 tỷ và lãi sau thuế 7.039 tỷ dựa trên kịch bản giá dầu ở mức 60 USD/thùng. Thực tế trong nhiều tháng qua, giá dầu thô thế giới duy trì trên 100 USD/thùng, có khi vượt 120 USD/thùng. Nhờ vậy, tổng công ty đã thực hiện 68% mục tiêu doanh thu và 98% mục tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm.

Giá dầu thô duy trì trên 100 USD/thùng trong nhiều tháng qua.

Cổ phiếu đại gia bán lẻ MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động hiện nay cao hơn so với đầu năm 2022 nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng. Trong tháng 6 này, MWG đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100%.

Lượng tiền mặt trị giá 732 tỷ đồng đã được chuyển tới cho cổ đông vào ngày 17/6. Hơn 732 triệu cổ phiếu MWG cũng đã được phát hành thêm, dự kiến tới tay cổ đông trong tháng 7 tới.

Giá cổ phiếu MWG và FPT có nhiều biến động tương đồng.

Cổ phiếu FPT cũng như MWG hiện nay đều thấp hơn mức đỉnh thiết lập hồi giữa tháng 4. Trong khi MWG vẫn duy trì vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng thì giá trị thị trường của FPT đã tụt xuống còn khoảng 94.000 tỷ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm