Bloomberg đưa tin, Sky Mavis, nhà phát triển của tựa game “play to earn’’ Axie Infinity vừa thông báo sẽ hoàn tiền cho các nạn nhân của vụ tấn công mạng hồi tháng 3 vào ngày 28/6 tới đây. Ronin Network (RON), dự án blockchain do đội ngũ Sky Mavis sáng lập cũng sẽ được khởi động trở lại.
Trước đó, vào tối ngày 29/3, việc Ronin bị hacker tấn công đã khiến Axie thiệt hại hơn 617 triệu USD. Hệ thống này ngay sau đó đã thông báo trên kênh Twitter chính thức của mình:
“Một lỗ hổng bảo mật trên Ronin Network đã bị xâm nhập. Tổng số tài sản bị đánh cắp bao gồm 173.600 Ethereum và 25,5 triệu USDC. Hiện Ronin Bridge và sàn giao dịch Katana Dex đã tạm ngưng hoạt động”.
Đến tháng 4, Sky Mavis thông báo huy động thành công khoản đầu tư trị giá 150 triệu USD do Binance, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới dẫn đầu. Một số các nhà đầu tư khác tham gia vào vòng rót vốn này bao gồm Animoca Brands, Dialectic, Paradigm…
Theo thông báo của Sky Mavis, dòng vốn đầu tư này sẽ được sử dụng nhằm khắc phục sự cố tấn công vào mạng lưới Ronin, đồng thời giúp các nạn nhân sớm được đền bù thiệt hại. Ngoài ra, Sky Mavis cũng cam kết tăng cường bảo mật để ngăn chặn các cuộc tấn công khác tái diễn.
Nhà phát triển Axie Infinity sắp hoàn tiền cho các nạn nhân của vụ tấn công mạng
“Chúng tôi đã chứng kiến sự phát triển và thành tựu của nhóm Sky Mavis kể từ khi làm việc cùng nhau trong dự án Axie Infinity trên Binance Launchpad”, ông Changpeng Zhao (CZ), CEO sàn giao dịch tiền số Binance cho biết, đồng thời khẳng định Sky Mavis và Binance buộc phải làm việc cùng nhau, đặc biệt trong vấn đề bảo mật, để hệ sinh thái Blockchain toàn cầu tiếp tục phát triển.
Theo các chuyên gia, việc Sky Mavis hoàn tiền cho các nạn nhân vào cuối tháng 6 sẽ phần nào giúp nhà phát triển này lấy lại niềm tin của những người từng rót tiền chơi Axie. Trước đó, vụ tấn công này, cũng với sự kiện đồng token AXS thủng mốc 20 USD được coi như một lời xác thực cho những hoài nghi trước đây nhằm vào thị trường tiền số vốn chưa thực sự “chỉn chu” về vấn đề bảo mật.
Theo Bloomberg, cách chơi đơn giản, khoản lợi nhuận cao cũng mối quan hệ mật thiết của Axie với thị trường tiền số đã giúp tựa game này được đánh giá là “cuộc cách mạng mới”. Việc nhiều những người chơi FOMO nuôi thú kiếm tiền cũng đẩy giá đồng AXS tăng phi mã. Theo số liệu của Coinmarketcap, tính đến sáng ngày 11/8/2021, đã có lúc mỗi đồng AXS có giá 74,45 USD. Với 60,9 triệu AXS đang được lưu hành, giá trị vốn hóa của đồng tiền này chạm mốc 4,5 tỷ USD.
Cách chơi khá đơn giản: Người chơi thu thập, nuôi, chiến đấu và buôn bán các con thú được gọi là "Axie". Điểm đặc biệt là những sinh vật này đều đã được số hóa dưới dạng NFT.
Mỗi trận, người chơi sẽ điều khiển các đội 3 con thú chiến đấu với nhau. Ba con thú trong team đều chết đồng nghĩa với việc đội đó thua cuộc. Một trận đấu thường diễn ra trong chưa đầy 5 phút. Phí vào chơi cũng chính là mức phí các “nhà đầu tư” phải bỏ ra để mua 3 con thú trong đội.
Ronin Network (RON), dự án blockchain do đội ngũ Sky Mavis sáng lập sẽ được khởi động trở lại
Phương thức kiếm tiền của Axie Infinity chủ yếu dựa vào việc người chơi vào sau mua lại thú của người vào trước theo tỷ giá thị trường, cộng thêm khoản phí giao dịch mạng lưới. Điều này khiến Axie khi đó bị cho là có yếu tố đa cấp hoặc theo kịch bản Ponzi, tức lấy tiền người sau trả cho người trước.
Thực tế, theo cơ chế game “play to earn’’, tất cả người chơi đều phải thực hiện một loạt các công việc khác nhau mỗi ngày để chăm sóc và nuôi lớn thú cưng. Họ, sau khi đã bán thú cưng của mình cho người khác, vẫn phải tiếp tục chơi như bình thường, bởi nếu không, những con thú còn lại sẽ không thể tự sinh sản. Người bán thú không được hưởng lợi gì sau lần giao dịch đầu tiên. Điều này hoàn toàn trái ngược với đa cấp, tức thú cưng được tạo ra có thể tự tiếp tục sinh sôi và phát triển.
Tương tự với kịch bản Ponzi. Người chơi không được phía Sky Mavis hứa hẹn trả mức thu nhập khủng, vì vậy, đa số đều cho rằng không thể coi Axie Infinity là mô hình Ponzi.
Theo: Bloomberg