Thời gian trước, Bộ GD-ĐT đã đưa ra danh sách những ngành Đại học có nhu cầu cao về nhân lực. Các ngành này thuộc 2 lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin; Du lịch, Khách sạn, Thể thao và Dịch vụ cá nhân.
Lĩnh vực máy tính gồm có 6 ngành: Khoa học máy tính, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Kỹ thuật máy tính, Công nghệ kỹ thuật máy tính. Lĩnh vực công nghệ thông tin gồm 2 ngành: Công nghệ thông tin và An toàn thông tin.
Công nghệ thông tin - ngành chưa bao giờ hết hot.
Nói riêng về ngành Công nghệ thông tin thì cả trước và sau đại dịch, nó luôn là ngành cực hot. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến lao động ở nhiều ngành nghề mất việc, bị cắt giảm giờ lao động, giảm thu nhập,... Một số ngành cũng được dự đoán chưa thể hồi phục ngay sau dịch. Tuy nhiên, Công nghệ thông tin lại là ngoại lệ.
Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội) - cho hay, nhu cầu nhân lực trong ngành Công nghệ thông tin chưa bao giờ giảm nhiệt. Doanh nghiệp cần nguồn lao động trình độ cao để có thể tiếp tục duy trì, triển khai những nền tảng công nghệ tiên tiến.
Mới đây, Manpower Việt Nam và Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã công bố kết quả khảo sát về nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới. Theo đó, Công nghệ thông tin nằm trong top 3 lĩnh vực dự kiến hoạt động tuyển dụng trở lại tình trạng trước Covid-19 trong thời gian 3-6 tháng tới.
Đi sâu hơn vào ngành Công nghệ thông tin thì vị trí Back-end Developer, theo báo cáo của TopDev được dự đoán sẽ là việc làm IT phổ biến nhất so với nhu cầu, với tỷ lệ là 54,5%, xếp sau là Full-stack Developer (51,5%), Front-end Developer (37,1%),...
Vậy, Back-end Developer là vị trí đảm nhận những công việc gì, có mức lương ra sao mà lại được dự đoán có nhu cầu tuyển dụng cao nhất?
Back-end Developer - Người quyết định website sẽ hoạt động như thế nào
Back-End là lập trình viên chịu trách nhiệm xử lý những nghiệp vụ phức tạp trên server và dữ liệu. Công việc của họ thường không thể hiện ra bên ngoài nhưng thực chất vai trò lại rất quan trọng. Họ là người quyết định các website sẽ hoạt động như thế nào.
Nhờ có sự hỗ trợ của Back-End mà phần giao diện người dùng của các trang web có thể tồn tại, các dữ liệu được lưu trữ và bảo mật tốt nhất. Những thao tác mà bạn thực hiện trên giao diện của website sẽ được chuyển đến server để xử lý. Các server này đã được Back-End lập trình các tính năng cụ thể để xử lý những yêu cầu từ website.
Để trở thành một Back-End bạn cần có kiến thức tốt về các chủ đề: Ngôn ngữ lập trình Backend; Cơ sở dữ liệu; Server; Api. Ngoài ra, Back-end cần có một số kỹ năng khác như: Khả năng quản lý môi trường lưu trữ cùng với quản trị cơ sở dữ liệu; Kiến thức về các ứng dụng mở rộng quy mô để xử lý; Kiến thức về khả năng truy cập và tuân thủ bảo mật; Kiến thức về kiểm soát phiên bản như Git và GitHub; Kiến thức chuyên sâu về triển khai hoặc lưu trữ,... Đồng thời có kiến thức về thuật toán, cấu trúc dữ liệu.
Nhìn chung, công việc của một Back-End phù hợp với những người có tư duy logic tốt hơn là yếu tố thẩm mỹ.
Mức lương của Back-end Developer là bao nhiêu?
Dạo quanh một số trang tuyển dụng, bạn sẽ thấy nhiều công ty đăng thông báo tuyển dụng Back-end với mức lương dao động từ 12 - 69 triệu đồng/tháng. Một số công ty thậm chí còn đưa ra mức lương 80 triệu đồng/tháng. Tất nhiên, mức lương càng cao thì yêu cầu công việc càng cao và đòi hỏi lập trình viên phải có chuyên môn rất vững.
Một số thông báo tuyển dụng trên TopDev.