Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn biến động mạnh khi hàng loạt mã cổ phiếu ghi nhận mức giảm sâu từ 50 – 70%, thậm chí nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn, thuộc diện đầu ngành cũng đã giảm từ 30-40% từ đầu năm.
Trước việc hàng loạt mã cổ phiếu ghi nhận đà lao dốc mạnh thời gian qua hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông lớn cũng nhộn nhịp mua bán.
“Thoát hàng” Chủ tịch, cổ đông lớn bỏ túi chục tỷ đến cả nghìn tỷ đồng…
Thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu nhận được sự chú ý nhiều nhất thời gian qua là quyết định bán hơn 87,4 triệu cổ phiếu THD tại Công ty cổ phần Thaiholdings của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) vào nửa đầu tháng 6 vừa qua.
Ông Nguyễn Đức Thụy không còn sở hữu cổ phiếu THD nào
Trước giao dịch trên, bầu Thụy là cổ đông lớn nhất và là anh trai của Chủ tịch HĐQT Thaiholdings Nguyễn Văn Thuyết. Ông Thụy cũng từng giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Thaiholdings đến ngày 29/2/2020.
Đáng chú ý, giai đoạn bầu Thụy thoái vốn THD diễn ra đúng thời gian mã cổ phiếu này giảm sâu nhất khi có thời điểm giảm tới hơn 86% kể từ vùng đỉnh. Tính giá trung bình trong giai đoạn này số tiền bầu Thụy dự kiến thu về hơn 3.400 tỷ đồng. Trong khi đó, tại lúc đỉnh điểm, lượng cổ phần THD bầu Thụy nắm giữ đạt đỉnh hơn 24.200 tỷ đồng. Tương đương tài sản bầu Thụy bốc hơi tới hơn 20.000 tỷ đồng khi thoái sạch vốn khỏi THD.
Mới đây nhất, trong bối cảnh thị giá cổ phiếu HSG đã giảm hơn 60% từ đầu năm đến nay, công ty riêng của đại gia Lê Phước Vũ đã có động thái đăng ký bán sạch vốn khỏi Tập đoàn Hoa Sen.
Cụ thể Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) thông báo cho biết Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen cũng do đại gia Lê Phước Vũ làm Chủ tịch đã đăng ký bán ra hơn 17,7 triệu cổ phiếu HSG với mục tiêu giải quyết nhu cầu tài chính công ty. Đây là toàn bộ lượng cổ phiếu HSG mà công ty này nắm giữ, tương đương 3,6% vốn Tập đoàn Hoa Sen. Như vậy, nếu hoàn tất giao dịch này, Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen sẽ không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu HSG nào.
Công ty riêng của đại gia Lê Phước Vũ đã có động thái đăng ký bán sạch vốn khỏi Tập đoàn Hoa Sen.
Trước đó, cả Chủ tịch và loạt cổ đông lớn cũng đã tháo chạy khỏi cổ phiếu YEG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1.
Cụ thể, ngay đầu tháng 6, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch YEG đã thoái thành công hơn 4 triệu cổ phiếu YEG theo phương thức giao dịch thỏa thuận/khớp lệnh. Tạm tính theo thị giá thời điểm đó ông Tống đã thu về gần 80 tỷ đồng.
Vào ngày 26/5, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát thông báo đã bán hơn 4,1 triệu cổ phiếu Tập đoàn Yeah1, giảm sở hữu xuống 262.624 đơn vị, tỷ lệ giảm từ 13,98% xuống 0,84%. Ngay trong phiên này, cổ phiếu YEG có giao dịch thỏa thuận 4,1 triệu cổ phiếu, giá trị 64,5 tỷ đồng với giá bình quân 15.730 đồng/cổ phần.
Bên cạnh đó, một cổ đông lớn khác là DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd thông báo đã bán toàn bộ 1,52 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận, từ ngày 6/4 đến ngày 15/4/2022.
Cũng trong tháng 5, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công - ông Đặng Văn Thành đã bán sạch 10 triệu cổ phần (1,54% vốn) tại Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT, doanh nghiệp dẫn đầu ngành đường nội địa với thị phần lên tới 46%), ước tính thu về khoảng 240 tỉ đồng.
Ông Đặng Văn Thành là chồng của bà Huỳnh Bích Ngọc - chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa, đồng thời là cha ruột của phó chủ tịch Đặng Huỳnh Ức My. Thông qua bà Ngọc và bà My, gia đình ông Thành vẫn nắm gần 170 triệu cổ phiếu SBT (26,1% vốn)….
Nhiều người sẵn sàng chi trăm tỷ nhằm “bình ổn giá” cổ phiếu
Bên cạnh những Chủ tịch, cổ đông lớn tranh thủ “thoát hàng” khi cổ phiếu lao dốc thì cũng có không ít người tranh thủ những biến động của thị trường để đăng ký mua vào hàng chục triệu cổ phiếu với số tiền dự kiến cả trăm tỷ đồng.
Ông Lê Viết Hải đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu HBC để "cứu giá"
Theo đó, ông Lê Viết Hải - nhà sáng lập kiêm chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thông báo đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu HBC, trong thời gian 23/6 đến 22/7 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Hiện cá nhân này đang là cổ đông riêng lẻ lớn nhất tại doanh nghiệp với sở hữu hơn 38,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 15,84%). Nếu giao dịch toàn bộ, tổng sở hữu sẽ tăng lên tối đa 48,9 triệu đơn vị (tỷ lệ 19,91%).
Sau thông tin lãnh đạo muốn đỡ giá cổ phiếu thì HBC kết thúc phiên giao dịch ngày 21/6 với mức giá 16.500 đồng/cổ phần. Tạm tính với thị giá này, số tiền ông Hải phải chi ra trong đợt này vào khoảng 165 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị giá LPB đã giảm gần 42% từ đầu năm, hàng loạt lãnh đạo cấp cao tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và người thân đã đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu ngân hàng này.
Theo công bố, tổng số cổ phiếu LPB mà các thành viên HĐQT, Ban tổng giám đốc, Ban kiểm soát và người thân tại LienVietPostBank đăng ký mua vào đợt này lên tới 14,8 triệu đơn vị, tương đương 0,89% vốn nhà băng. Trong đó riêng ông Dương Công Đoàn, anh ruột ông Dương Công Toàn, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu, tương đương 0,8% vốn nhà băng.
Ông Đỗ Quang Vinh Chủ tịch SHS cũng đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu phát hành thêm của SHS
Trong tháng 5 khi thị trường chứng khoán cũng trải qua những biến động mạnh ông Nguyễn Văn Tuấn - thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn GELEX (GEX) đã mua thành công 10 triệu cổ phiếu GEX như đã đăng ký theo phương thức khớp lệnh. Ông tuấn mua 10 triệu cổ phần GEX trong bối cảnh mã này đã giảm mạnh. Theo đó, so với mức đỉnh 49.350 đồng/cổ phần ngày 11/1, thị giá mã này đã mất hơn 56% giá trị ở thời điểm ông Tuấn hoàn tất giao dịch mua vào.
Sau giao dịch, ông Tuấn nâng tỷ lệ sở hữu từ hơn 192 triệu cổ phiếu, chiếm 22,58% lên hơn 202 triệu cổ phiếu, chiếm 23,75% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Ngoài ra, ông Đỗ Quang Vinh Chủ tịch SHS là một trong 22 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua gần 31 triệu cổ phiếu còn dư trong đợt chào bán cho cổ đông vào tháng 4 trong bối cảnh mã cổ phiếu SHS cũng đã giảm mạnh thời gian trước đó.