Tán gẫu đột nhiên tìm thấy cơ hội kinh doanh
Ôn Hạo Minh tốt nghiệp học viện gốm sứ Cảnh Đức Trấn, Giang Tây năm 2007. Vì học chuyên ngành ngoại ngữ nên công việc đầu tiên của anh là phiên dịch tại một trung tâm nghiên cứu gốm sứ ở Phật Sơn, Quảng Đông (CERAM). Cố vấn của trung tâm là một học giả sống tại Hoa Kỳ và là một chuyên gia sáng tạo có tiếng. Ôn Hạo Minh trong khi đang tán gẫu cùng vị học giả đó đột nhiên phát hiện ra một cơ hội kinh doanh độc đáo.
Một ngày nọ, học giả kia nói với Ôn Hạo Minh rằng ngành công nghiệp sáng tạo ở Anh đang phát triển mạnh mẽ, nếu gốm sứ cũng được tích hợp vào khái niệm sáng tạo, chúng sẽ bán chạy hơn. Đồng thời, học giả cũng kể cho Ôn Hạo Minh nghe trường hợp của sách hoa quả.
Một cuốn sách, vừa có thể đọc vừa có thể trồng cây. Nếu như loại cây trồng là rau củ quả thì khi kết trái chúng ta vẫn có thể ăn được trái trên cây. Ôn Hạo Minh sau khi nghe lập tức cảm thấy rất hứng thú. "Có thể gieo hạt trong sách sao? Còn có thể ra hoa kết quả? Quả cũng ăn được!" Ôn Hạo Minh rất tò mò.
Vị học giả tuy rằng biết có một thứ như vậy, nhưng ông không biết nguồn gốc của nó ở đâu. Ôn Hạo Minh nghĩ rằng Nhật Bản là quốc gia có nền công nghệ sáng tạo phát triển nhất, có thể nào là Nhật Bản chăng?
Anh lập tức liên hệ ngay với một giáo viên người Nhật tại viện gốm sứ và thu được tin tức rất đáng mừng. Sách hoa quả đúng là bắt nguồn từ Nhật Bản, hơn nữa còn bán rất chạy.
"Nó đắt hàng ở Nhật Bản, thì nó cũng có thể đắt hàng ở Trung Quốc." Nghĩ đến đây, Ôn Hạo Minh nhíu mày, tính toán một phen.
Chạy vạy tìm công nghệ
Ôn Hạo Minh lập tức nhờ vị giảng viên người Nhật đó mua giúp anh một cuốn sách hoa quả ở bên Nhật. Lúc nhận được hàng, anh hứng thú mở gói đồ ra thì đột nhiên khựng lại, cả người nằm ngã dài trên ghế sô pha như quả bóng xì hơi.
Hóa ra cuốn sách hoa quả mà bên Nhật gửi qua chỉ là sách hướng dẫn trồng cây mà thôi, tức là gáy sách có đính vài hạt thực vật, độc giả phải mua chậu khác về trồng thì mới nảy mầm được, chứ không thể trồng trực tiếp vào sách.
"Nó không sáng tạo lắm, chỉ là thêm một vài hạt giống đính kèm trong cuốn sách mà thôi."
Trong lúc thất vọng, một người bạn đã nói một câu thức tỉnh Ôn Hạo Minh. "Như vậy thì nếu chúng ta có thể làm ra loại sách có thể trồng cây trực tiếp vào bên trong thì không phải sẽ là độc nhất vô nhị hay sao!" Ôn Hạo Minh nghe vậy, hàng lông mày vẫn đang nhíu chặt nãy giờ lập tức giãn ra.
Về các vấn đề công nghệ, Ôn Hạo Minh tìm đến một viện nghiên cứu nông nghiệp của học viện khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhưng bên kia không quan tâm đến dự án của anh, họ cho rằng đó là một trò trẻ con, không mang tính kỹ thuật. Nhưng bên kia cũng cho Ôn Hạo Minh rất nhiều ý kiến, đề nghị Ôn Hạo Minh dùng những loại cây dễ sinh trưởng, đồng thời cho thêm một số chất phụ gia vào giá thể (như đất trồng hiện đại) để làm cho cây phát triển nhanh hơn.
Sau khi gặp khó khăn ở Bắc Kinh, Ôn Hạo Minh vẫn tiếp tục chạy vạy khắp nơi, cuối cùng tìm đến đại học Thâm Quyến.
"Một số đối tác của tôi cũng đã tốt nghiệp trường này, hơn nữa Thâm Quyến cũng là một thủ đô của sự sáng tạo." Ôn Hạo Minh nói với các phóng viên rằng dự án của anh ấy đã được hỗ trợ ở đây.
Vào tháng 11 năm 2008, dưới sự hỗ trợ của viện kinh tế, viện nghệ thuật và thiết kế thuộc Đại học Thâm Quyến và học viện gốm sứ Cảnh Đức Trấn, cơ sở sản xuất và thiết kế sáng tạo sách hoa quả Trung Quốc cuối cùng đã được thành lập tại Giang Tây.
Sau nhiều lần thất bại, vào tháng 6 năm 2009, công nghệ này cuối cùng đã đạt được bước đột phá.
Được thị trường đón nhận
Thực ra, trước khi Ôn Hạo Minh nghiên cứu thành công công nghệ, thì anh ấy đã từng bắt đầu bán sách hoa quả rồi, nhưng loại sản phẩm bán ra lúc đó cũng giống như của Nhật Bản vậy. Nói trắng ra, đó là một bản sao của Nhật Bản. Ban đầu Ôn Hạo Minh cho rằng những sản phẩm bán đắt ở Nhật Bản thì cũng sẽ được ưa chuộng ở Trung Quốc, nhưng anh đã nhầm.
Sản phẩm được đưa ra thị trường không gây được làn sóng hưởng ứng kịch liệt như mong đợi. Trước tình cảnh đó, anh mới quyết tâm nghiên cứu công nghệ cho "sách hoa quả thứ thiệt". Hiện tại, sách hoa quả của Ôn Hạo Minh có tỷ lệ nảy mầm rất cao.
"Sách hoa quả có thể cho 3 đến 10 quả dưa chuột to gấp rưỡi ngón tay cái và 5 quả cà chua to bằng ngón tay út." Ôn Hạo Minh nói.
Đạt được bước đột phá trong công nghệ, Ôn Hạo Minh ngay lập tức liên hệ với nhà sản xuất để gia công và sản xuất. Vì không có kinh phí nên họ không dám làm quảng cáo, chỉ có thể quảng bá qua internet.
"Chúng tôi cũng tìm gặp một chuyên gia quảng bá tiếp thị internet ở Bắc Kinh. Nhưng cái giá mà người đó đưa ra là 100.000 nhân dân tệ (hơn 300 triệu vnđ)." Đối mặt với mức giá cao ngất như thế, Ôn Hạo Minh đành thôi, không làm nữa.
Ngoại trừ quảng cáo trên mạng ra thì Ôn Hạo Minh còn mang sản phẩm đến các cửa hàng quà lưu niệm để bán. Qua một đoạn thời gian khách hàng cũng dần dần đón nhận loại sách kỳ lạ này. Những ngày tệ nhất, sách hoa quả cũng bán được hơn 1000 bản, còn ngày tốt thì khỏi nói rồi, bán ra tận 3000 bản. Ôn Hạo Minh nói với phóng viên, chỉ trong vòng nửa năm 2009, doanh thu đã lên đến 600.000 nhân dân tệ (hơn 2 tỷ vnđ).