Doanh nghiệp

Doanh nghiệp lo "lợi bất cập hại" nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Nước giải khát có đường, thức uống đại mạch, game online là những mặt hàng được Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt, khi xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Việc đánh thuế các mặt hàng, dịch vụ này theo Bộ Tài chính, nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân như giảm tiêu thụ đường, hạn chế nghiện game online và ngân sách có thêm khoản thu mới.

Tuy nhiên, doanh nghiệp đưa ra nhiều ý kiến trái chiều và cho rằng việc áp thuế là lợi bất cập hại. Nói tại hội thảo góp ý ngày 5/7, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát Việt Nam (VBA), đánh giá việc mở rộng áp thuế với nước giải khát là chưa công bằng, bởi có thể dẫn đến phân biệt đối xử, ảnh hưởng đáng kể đến ngành đồ uống và các ngành phụ trợ.

Ông Việt lập luận, đồ uống có đường không phải là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân, béo phì - lý do Bộ Tài chính muốn áp thuế này. So sánh mức calo cung cấp giữa các loại thực phẩm, lượng calo từ nước giải khát có đường khoảng 44 kcal trên 100 g, thấp nhất trong các loại thực phẩm chứa đường (bánh kẹo là 300-400 kcal, kem trên 200 kcal trên 100 g).

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA phát biểu tại hội thảo góp ý đề án xây dựng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ngày 5/7. Ảnh: VCCI

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA phát biểu tại hội thảo góp ý đề án xây dựng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ngày 5/7. Ảnh: VCCI

Theo ông, việc đánh thuế sẽ khiến người tiêu dùng có khả năng chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm tương tự khác có lượng đường, calo bằng hoặc cao hơn. "Nhiều nước áp dụng chính sách này nhưng hiệu quả giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì không cao. Trong khi mức tiêu thụ các sản phẩm đồ uống có đường ở Việt Nam thấp so với thế giới", ông nói.

Ở góc độ kinh tế, Chủ tịch VBA nhận xét việc đánh thuế có thể ảnh hưởng đến 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng một triệu hộ kinh doanh sản phẩm ngành giải khát. Điều này sẽ tác động đến hàng chục nghìn lao động trong chuỗi giá trị, cung ứng và hàng trăm nghìn hộ gia đình trồng mía.

"Trong bối cảnh các doanh nghiệp mới phục hồi sau dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép trách nhiệm từ các chính sách tài chính như tái chế bao bì, việc đề xuất áp thuế mới sẽ ảnh hưởng lớn đến việc làm ăn, kinh doanh", Chủ tịch VBA nêu.

Tương tự, với ngành game, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến họ mất khả năng cạnh tranh trên sân nhà. Ông Lã Xuân Thắng, đại diện VNG nói, thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép và dẫn đến công tác quản lý khó khăn.

Thực tế, trước nay chưa có chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp game ở Việt Nam. Doanh nghiệp lĩnh vực này chịu cạnh tranh lớn, không lành mạnh từ các đối thủ nước ngoài. Trong khi đó, tại nhiều nước, trò chơi trực tuyến được xem là ngành kinh tế quan trọng, có giá trị xuất khẩu, nên nhận được nhiều ưu đãi. Đây cũng là lý do chỉ 15% doanh nghiệp game nội địa đã đăng ký còn hoạt động. Số còn lại đã ngừng hoặc chuyển ra nước ngoài để hưởng các cơ chế ưu đãi.

"Cái gì cũng có tính hai mặt, ngay phim ảnh, ca nhạc mà sử dụng quá nhiều cũng không tốt", ông Lã Xuân Thắng nói. Ở khía cạnh tích cực, game có những nội dung trí tuệ, sáng tạo, cũng là nơi áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Người chơi cũng được giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi. Hiện thể thao điện tử đã là bộ môn được Ủy ban Olympic công nhận.

Doanh nghiệp tham gia góp ý cho dự thảo tại hội nghị ngày 5/7.

Doanh nghiệp tham gia góp ý cho dự thảo tại hội nghị ngày 5/7.

Còn ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện Liên minh các nhà sản xuất, phát hành game Việt Nam, nói hiện chưa có nước, vùng lãnh thổ nào áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho game.

"Một số nước áp dụng cơ chế kiểm soát về nội dung hoặc cơ chế kiểm soát thời gian chơi game tương tự như Việt Nam, như Trung Quốc, Hàn Quốc chứ công cụ thuế thì chưa có tiền lệ", ông chia sẻ.

Trước những yếu tố này, đại diện Hiệp hội VBA, Liên minh các nhà sản xuất phát hành game đề xuất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, trò chơi trực tuyến, như đề nghị của Bộ Tài chính.

"Đường là mặt hàng đặc biệt, được hưởng chính sách bảo hộ để hỗ trợ phát triển. Do đó, áp thuế các sản phẩm có đường là thiếu nhất quán về lập pháp trong thúc đẩy ngành này phát triển", ông Trần Ngọc Trung, đại diện Hiệp hội thương mại Mỹ (Amcham) nói.

Chưa kể, mục tiêu thu ngân sách cũng khó đạt được. Một nghiên cứu do CIEM thực hiện giai đoạn 2018-2021 cũng cho thấy, nếu bổ sung nước giải khát vào diện chịu thuế với thuế suất 10%, nâng VAT thêm 2%, doanh nghiệp ngành này thiệt hại gần 3.800 tỷ đồng, trong khi mức tăng thêm cho ngân sách là hơn 2.720 tỷ. Bên cạnh đó, chính sách thuế cũng ảnh hưởng tới các ngành phụ trợ trong chuỗi giá trị sản xuất, khiến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, GDP, thu nhập của lao động đều giảm.

Với Việt Nam, đây không phải lần đầu Bộ Tài chính muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Năm 2014, ý tưởng này cũng được đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng nhiều bộ, ngành không đồng thuận.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm