Chứng khoán

Cổ phiếu của SHB, SeaBank có thể thay thế Novaland và Phát Đạt trong VN30

Ngày 17/7, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) sẽ công bố danh mục các cổ phiếu thuộc rổ chỉ số VN30 và VN-Finlead, có hiệu lực từ ngày 7/8. Danh mục này là tham chiếu cho nhiều ETF trên thị trường.

Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) và Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cùng chung dự báo rổ VN30 sẽ có thêm hai cổ phiếu ngân hàng là SHB và SSB, đồng thời loại hai mã bất động sản là NVL của Novaland và PDR của Phát Đạt.

Theo SSI Research, cổ phiếu NVL có thể bị loại do thuộc diện bị cảnh báo, còn PDR khả năng rời nhóm VN30 do vốn hóa không đủ duy trì top 40 trong rổ cổ phiếu xem xét.

Ngược lại, cổ phiếu của SeABank có thể được chọn vào nhóm bluechip do đã thỏa mãn các điều kiện yêu cầu. Cổ phiếu của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) có thể được lựa chọn do đây là cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất ngoài danh mục.

Trong các ETF trên thị trường, hiện có 4 ETF đang sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu bao gồm VFM VN30, SSIAM VN30, Mirae Asset VN30 và KIM VN30, với tổng tài sản ước tính hơn 8.900 tỷ đồng.

Trong kỳ cơ cấu này, SSI Research ước tính SSB sẽ được các quỹ trên mua vào 14 triệu cổ phiếu (tỷ trọng 4,34%) và SHB sẽ được mua vào 19 triệu cổ phiếu (tỷ trọng 2,67%). Uớc tính danh mục sẽ có 13 cổ phiếu ngân hàng với tổng tỷ trọng 51,5%. Trong khi đó, các quỹ sẽ bán ra khoảng 8,8 triệu cổ phiếu NVL và 2,5 triệu cổ phiếu PDR.

Dự báo cũng tương tự từ BSC. Nhóm phân tích dự kiến SSB và SHB sẽ được các ETF mua vào lần lượt 14,6 triệu và 19,5 triệu cổ phiếu. Một số cổ phiếu khác được mua bán không đáng kể gồm SAB, PLX, BVH.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc SHB phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 18% và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP). Sau khi thực hiện hai phương án trên, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng lên 36.645 tỷ đồng, trong nhóm 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Ngân hàng này cũng đặt mục tiêu tìm đối tác chiến lược trong năm nay. "Room" ngoại của SHB hiện chỉ ở mức gần 7%, tức còn trống nhiều so với quy định mức tối đa là 30%.

Trong khi đó, SeABank vừa thông qua phương án chào bán riêng lẻ gần 95 triệu cổ phiếu cho Norwegian Investment Fund (Norfund) của Na Uy, dự kiến thu về tối thiểu hơn 1.200 tỷ đồng. SeABank là một trong số ít ngân hàng hiện chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm