Trong phiên giao dịch ngày 6/2, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến giằng co. Kết phiên, chỉ số VN-Index ghi nhận tăng 2,42 điểm để đóng cửa ở mức 1.188,48 điểm. Sự giằng co thể hiện rõ khi số lượng cổ phiếu tăng và giảm giá không quá cách biệt, lần lượt đạt 244 mã và 212 mã. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE hôm nay đạt hơn 14.600 tỷ, giảm khoảng 4.600 tỷ đồng so với phiên liền trước.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng 0,35 điểm để đóng cửa ở mức 230,63 điểm. Chỉ số Upcom-Index tăng 0,34 điểm để đóng cửa ở mức 88,86 điểm.
Mã cổ phiếu DGC ghi nhận mức tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 6/2 - Ảnh chụp màn hình
Trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận phiên giao dịch giằng co, mã cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang do đại gia Đào Hữu Huyền giữ vị trí Chủ tịch ghi nhận mức tăng mạnh 5,29% để đóng cửa ở mức giá 95.600đ/cổ phiếu. Đây là phiên tăng thứ 7 trong chuỗi 8 phiên giao dịch gần đây của mã cổ phiếu này. Không chỉ tăng mạnh về giá, thanh khoản của DGC cũng tăng hơn gấp 4 lần so với phiên liền trước với hơn 4,8 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu DGC không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông, mức tăng này cũng giúp khối tài sản của Chủ tịch Đào Hữu Huyền ghi nhận tăng thêm hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, với việc đang trực tiếp nắm giữ gần 70 triệu cổ phiếu DGC, tương đương tỷ lệ 18,38% cổ phần, khối tài sản của đại gia 68 tuổi ghi nhận tăng thêm hơn 300 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 6/2, khối tài sản Chủ tịch doanh nghiệp từng tiết lộ có công nhân vệ sinh nắm 35 tỷ đồng có giá trị 6.853 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Hóa chất Đức Giang ghi nhận 9.748 tỷ đồng doanh thu thuần, 3.109 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, lần lượt giảm 33% và 44% so với thực hiện năm trước. Trong đó, doanh thu tài chính của DGC trong năm 2023 hơn 743 tỷ đồng, trong đó, lãi tiền gửi gần 627 tỷ đồng, điều đó đồng nghĩa với việc mỗi ngày, DGC thu về hơn 1,7 tỷ đồng từ lãi tiền gửi tiết kiệm.
Sau phiên giao dịch giằng co của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 7/2, đây cũng là phiên giao dịch cuối cùng trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap nhận định chỉ số VN-Index có thể tiếp tục ghi nhận một phiên biến động nhẹ với thanh khoản thấp với ngưỡng hỗ trợ là đường MA5 và đường thoái lui Fibonacci tại 1.177-1.183. Trong trường hợp hỗ trợ này không bị vi phạm (kịch bản có khả năng cao), VN-Index sẽ tăng điểm sau kỳ nghỉ Tết để hướng lên kháng cự gần nhất tại 1.205-1.210 điểm.
Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) cho rằng phiên ngày 07/02 sẽ là phiên đóng nến tuần, nếu duy trì được mức tăng, thị trường có thể có những diễn biến tích cực hơn sau Tết. Xu hướng thị trường sẽ quay trở lại kiểm định vùng kháng cự 1,190 - 1,211 điểm (trading gap cũ từ hồi tháng 9/2023). Đây sẽ là ngưỡng kháng cự quan trọng của thị trường và cần kiểm định lại. Nhà đầu tư tiếp tục quan sát thị trường.
Chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) nhận định VN-Index vẫn đang vận động trong vùng cản quanh 1.185 (+/-10) điểm và quán tính tăng điểm đã có phần suy yếu. Do đó, rủi ro tạo đỉnh ngắn hạn trong những phiên tới vẫn cần được chú ý. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn và chỉ mua lại trong nhịp điều chỉnh sau đó hoặc khi rủi ro tạo đỉnh đã được giảm thiểu.