Sắc đỏ chiếm ưu thế, khối ngoại tiếp tục bán ròng STB
Sau kì nghỉ lễ 30/4 - 1/5, với 2 ngày giao dịch (4/5 và 5/5), nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến ảm đạm khi có 20 mã giảm giá, 5 mã tăng và 2 mã đứng tham chiếu.
Cụ thể, PGB là mã giảm nhiều nhất tuần qua (-6,9%), trong đó, riêng phiên đầu tiên sau kì nghỉ đã giảm mạnh -8,9% và tăng trở lại trong phiên cuối tuần. Trước đó, cổ phiếu này đã có nhiều tuần tăng giá liên tiếp, trước khi Petrolimex thực hiện đấu giá lượng lớn cổ phần tại PG Bank.
3 cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn là CTG, VPB, TCB ảnh hưởng tiêu cực tới Vn-Index trong 2 ngày giao dịch tuần qua khi cả 3 đều kết thúc trong sắc đỏ, mức giảm từ 2 - 3,5%. Bên cạnh CTG, 2 cổ phiếu ngân hàng quốc doanh khác là BID và VCB chỉ điều chỉnh nhẹ, mức giảm chưa tới 1%.
Ở chiều ngược lại, NAB tăng tốt nhất tuần qua với mức +4,5%, kết tuần tại mức giá 10.900 đồng/cp. 4 mã tăng giá còn lại đều là các ngân hàng được niêm yết trên HOSE gồm ACB, HDB, MSB và OCB. Trong khi đó, 2 mã đứng tham chiếu đều là 2 ngân hàng được niêm yết trên HNX là NVB và BAB.
Do chỉ giao dịch trong 2 ngày, thanh khoản của toàn ngành ngân hàng tuần qua không quá lớn, với 230 triệu cp được giao dịch, tương ứng với giá trị đạt 4.131 tỷ đồng.
Dù vậy, SHB vẫn giữ được mức thanh khoản cao, đứng đầu toàn ngành với hơn 51,3 triệu cp được giao dịch, chiếm hơn một nửa được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Giá trị giao dịch của cổ phiếu này cũng cao nhất toàn ngành tuần qua với mức xấp xỉ 580 tỷ đồng.
Xếp sau SHB là LPB với khối lượng giao dịch trong tuần đạt 28,7 triệu đơn vị. Các cổ phiếu khác như MSB, MBB, VPB, STB dao động quanh mức 10 - 20 triệu cp.
STB tiếp tục chịu áp lực bán của các nhà đầu tư nước ngoài khi nhóm này đã bán ròng gần 100 tỷ đồng trong 2 phiên. Tính riêng trong 1 tháng trở lại, khối ngoại đã bán ròng hơn 821 tỷ đồng cổ phiếu STB. Cùng với đó, khối ngoại cũng bán ròng 89 tỷ đồng CTG.
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Trái ngược với xu hướng bán ròng của khối ngoại, Dragon Capital đã mua 1 triệu cổ phiếu STB thông qua quỹ thành viên, nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank lên hơn 6%.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với bốn ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Bên cạnh đó, NHNN cho biết đã trình Thủ tướng về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank và phương án tăng vốn điều lệ của Agribank.
Thêm nhiều ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý I gồm Nam A Bank, Techcombank, MB, ACB, ... Theo BCTC, Techcombank đã bán trụ sở cũ tại 191 Bà Triệu, thu lời hơn 730 tỷ đồng.
Trong quý I, phần lớn các mảng kinh doanh của MB giảm sút so với cùng kì, song lãi trước thuế của ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng hơn 10% đạt 6.512 tỷ đồng. Số dư nợ xấu tăng 68% so với cuối năm.
Sau khi Petrolimex thoái vốn, ông Oliver Schwarzhaupt, Thành viên HĐQT, Phó Trưởng ban Ủy ban Quản lý rủi ro của PG Bank sẽ nắm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 4/5/2023.
FE Credit bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc của FE Credit từ ngày 4/5/2023 thay cho ông Kalidas Ghose.