Mô hình giáo dục STEAM bắt đầu bén rễ trong vài năm qua và đang phát triển mạnh mẽ để thực sự đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế thế kỷ 21.
Phương pháp giáo dục này được xem là nền tảng của nhiều quốc gia như Mỹ, Phần Lan, Canada, Nhật Bản... Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đang tiệm cận đến xu hướng giáo dục hiện đại này.
Mô hình STEAM là gì?
STEAM là từ viết tắt chữ cái đầu của các môn: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ) Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật) và Math (Toán học). Nói cách khác, STEAM được hiểu là sự mở rộng của STEM khi môn Art (Nghệ thuật) được bổ sung vào.
Nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết thêm Art vào mô hình giáo dục STEM. Song với nhóm trẻ ở độ tuổi mầm non, yếu tố nghệ thuật giúp việc học tập trở nên bớt khô khan. Đặc biệt, Nghệ thuật trong STEAM đã đưa STEM lên tầm cao mới.
Nó cho phép học sinh kết nối việc học với sự khám phá và sáng tạo, giúp nâng cao hiệu suất học tập, tăng cường học tập trực quan... Đồng thời Nghệ thuật giúp phát triển các kỹ năng mềm quan trọng cho người học.
Ảnh minh họa: Acer for education.
Cả STEM và STEAM đều là chương trình giảng dạy trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực theo cách tiếp cận liên môn. Thay vì học các môn một cách riêng biệt và rời rạc, STEM và STEAM kết hợp chúng thành một mô hình học tập dựa trên các ứng dụng thực tế.
Qua đó, học sinh tích luỹ được kiến thức khoa học đồng thời học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn.
Vì sao nên để học sinh sớm tiếp cận mô hình STEAM?
Trái ngược với các mô hình giảng dạy truyền thống, giáo viên sử dụng mô hình STEAM kết hợp 5 môn học thành một tổng thế gắn kết, xoá mờ ranh giới giữa các môn kỹ thuật, tư duy khoa học, nghệ thuật... Thông qua cách tiếp cận toàn diện này, học sinh có thể luyện tập cả hai bên não cùng một lúc.
1. Luyện tập tư duy phản biện
Ngày nay, để đạt được thành công trong tương lai, học sinh cần tiếp xúc với các bộ môn này một cách toàn diện để phát triển các kỹ năng tư duy phản biện.
Mô hình STEAM yêu cầu học sinh suy nghĩ một cách có hệ thống về các vấn đề, áp dụng thông tin họ học được về công nghệ và kỹ thuật để tìm ra các giải pháp tốt nhất.
Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh nhìn nhận vấn đề qua nhiều lăng kính khác nhau. Đồng thời người học có thể được rèn luyện khả năng quan sát, từ chi tiết đến tổng thể.
2. Phát triển sự sáng tạo và tăng khả năng giải quyết vấn đề
Khi tham gia vào các hoạt động kết hợp nhiều yếu tố khác nhau của STEAM, học sinh được thúc đẩy việc suy nghĩ, đặt câu hỏi, khám phá câu trả lời, áp dụng những gì học được và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
Thầy cô đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh tìm ra giải pháp hiệu quả và khoa học nhất cho vấn đề được đặt ra, bằng cách xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh, kỹ năng giải quyết câu hỏi hay kỹ năng giao tiếp...
Ảnh minh họa: iteach.
3. Nâng cao kiến thức về công nghệ
Trong bối cảnh công nghệ 4.0, việc sớm được tiếp cận sớm với công nghệ hiện đại giúp học sinh dễ dàng hòa nhập và sử dụng linh hoạt các loại thiết bị khi cần thiết.
Với mô hình STEAM, học sinh được kết hợp các yếu tố công nghệ, lập trình máy tính và kỹ thuật vào bài tập và dự án trên lớp. Đây là nền tảng tốt giúp học sinh không bị tụt hậu giữa thời đại tiên tiến.
4. Khuyến khích học sinh thử nghiệm khám phá, tăng khả năng thích nghi
Việc thử những điều mới giúp đánh tan nỗi sợ hãi về những điều chưa biết. Nhiều chương trình STEAM yêu cầu chấp nhận rủi ro và thử nghiệm để khuyến khích học sinh thử điều mới. Học sinh có thể tìm thấy niềm đam mê, tài năng tiềm ẩn hoặc định hướng sự nghiệp tương lai.
Khi thế giới đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng, việc thích nghi những điều mới trở thành trọng tâm của phương pháp STEAM. Học sinh cần có khả năng vận dụng kiến thức vào các vấn đề chưa từng trải nghiệm trước đó. Khả năng thích nghi với mọi tình huống là kỹ năng sống cần thiết mà nhiều học sinh cần có.
5. Rèn luyện và nâng cao kỹ năng mềm
Khi các công việc lặp đi lặp lại bị xói mòn bởi công nghệ, khả năng giải quyết các vấn đề mới ngày càng trở nên quan trọng.
Sớm được tiếp xúc với mô hình STEAM, học sinh có thể rèn luyện kỹ năng mềm phù hợp với cả sự nghiệp học tập và nghề nghiệp sau này.
Ảnh minh họa: Best Products.
STEAM ở Việt Nam
Mô hình giáo dục này phù hợp với mọi lứa tuổi, từ mẫu giáo đến trung học. Đặc biệt, trẻ ở cấp mẫu giáo và tiểu học được đánh giá là học hiệu quả nhất. Trẻ chủ yếu học qua hình ảnh, trải nghiệm với các giác quan. Do vậy, việc áp dụng mô hình STEAM giúp trẻ có hứng thú học và tiếp thu kiến thức nhanh hơn.
Phương pháp giáo dục này ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ bậc phụ huynh. Trên trang diễn đàn, không ít cha mẹ tìm kiếm lời tư vấn từ những "tiền bối" có con em học tập tại trường áp dụng STEAM.
Ở Việt Nam, hệ thống Trường mầm non song ngữ STEAMe Garten sử dụng mô hình STEAM có mức học phí 6,6-9,9 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, Trường mầm non STEAM Leader cung cấp hệ học STEAM kết hợp song ngữ với học phí 3,5 triệu đồng/tháng. Mức phí này chưa bao gồm tiền ăn, trông muộn, đồng phục, chăn gối cho trẻ.
Ngoài ra, tổ chức phi lợi nhuận STEAM for Vietnam có mạng lưới hơn 200 tình nguyện viên được vận hành với nỗ lực đem mô hình STEAM đến gần hơn với các bạn học sinh Việt.
Tổng hợp