Điểm nóng về hạ tầng
Bình Phước là tỉnh rộng nhất vùng Đông Nam Bộ với diện tích lớn nhất trong 19 tỉnh thành phía Nam, sở hữu 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha, trong đó 8 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng. Để khai thác tối đa những lợi thế về vị trí của Bình Phước và quỹ đất cho khu công nghiệp, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã được quy hoạch và từng bước đầu tư đồng bộ.
Trong đó, điển hình như cao tốc TP.HCM - Chơn Thành - Ðắk Nông với tổng mức đầu tư khoảng 24.275 tỷ đồng; tuyến Ðồng Phú - Bình Dương với tổng vốn đầu tư 2.253 tỷ đồng; dự án đường sắt Dĩ An - Hoa Lư với tổng vốn đầu tư 948,6 triệu USD; quốc lộ 14 C kết nối Ðắk Nông với Bình Phước, Tây Ninh, Long An với tổng kinh phí đề xuất nâng cấp là 280 tỷ đồng. Cùng với đó là phát triển hệ thống bến bãi, cảng cạn, cầu vượt… nhằm tạo lợi thế cho xuất, nhập khẩu hàng hóa trong vùng và các nước trong khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo tỉnh Bình Phước và Đồng Nai nghiên cứu thực địa khu vực sông Mã Đà nằm giữa 2 địa phương (Ảnh: VGP)
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì làm việc với UBND các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT.753 (kết nối Bình Phước với sân bay Long Thành) và cầu Mã Đà. Ðây là chủ trương lớn gỡ nút thắt để Bình Phước kết nối với Ðồng Nai và sân bay quốc tế Long Thành. Theo quy hoạch mạng lưới thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường ĐT.753 được quy hoạch nâng cấp lên thành Quốc lộ 13C đi từ Đồng Xoài, Bình Phước đến Trảng Bom, Đồng Nai. Tháng 7/2021, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà có chiều dài 30 km, quy mô cấp III, tổng mức đầu tư là 655 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bình Phước cũng dự kiến khởi công mới dự án như: Xây dựng đường giao thông phía Tây QL.13 kết nối Bàu Bàng - Chơn Thành - Hoa Lư; nâng cấp đường QL.13 đoạn Liên ngành – Hoa Lư; xây dựng đường ĐT.753B kết nối với đường Đồng Phú - Bình Dương; xây dựng cầu kết nối Long Tân (huyện Phú Riềng) – Tân Hưng (huyện Hớn Quản).... Ngành GTVT còn chủ động đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư theo hình thức BOT như: Dự án nâng cấp, mở rộng ĐT741, dự án BOT đường Đồng Phú – Bình Dương.
Các dự án sau trên khi hoàn thành sẽ kết nối hầu hết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kết nối các tuyến ĐT.741, QL.13, QL.14 nhằm hình thành khu vực tam giác phát triển, năng động bậc nhất của tỉnh là Đồng Phú – Đồng Xoài - Chơn Thành. Điều này tạo bước tiên phong và đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông trên toàn khu vực nói chung và toàn tỉnh nói riêng.
Thay đổi diện mạo toàn vùng, BĐS hưởng lợi
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với lợi thế về không gian, quỹ đất, đặc biệt là "lợi thế của người đi sau", Bình Phước đang có những cơ hội phát triển.
Để Bình Phước có thể "cất cánh", liên kết vùng chính là phương án tạo sự cộng hưởng cho phát triển của toàn vùng. Liên kết để phát triển trục kết nối giao thông Bình Phước – Bình Dương – TP.HCM đi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải; trục Đắc Nông – Bình Phước – Bình Dương – Đồng Nai – Tp. Hồ Chí Minh; tuyến Bà Rịa – Vũng Tàu – Tp. Hồ Chí Minh – Bình Phước – Campuchia – Thái Lan – Myanmar…
PGS. TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Bình Phước là trung tâm kết nối giữa Tây Nguyên – Tây Nam Bộ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có cảng trung chuyển quốc tế hàng không và hàng hải. Địa phương này còn nằm trên hành lang Đông – Tây kết nối vùng Tây Bắc ASEAN có tiềm năng phát triển rất lớn nên càng phải được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng. Để Bình Phước có thể bứt phá, thì liên kết vùng chính là phương án tốt nhất tạo sự cộng hưởng cho phát triển của toàn vùng.
Ngoài ra, so với một số tỉnh, thành trong vùng thì Bình Phước có lợi thế của "người đi sau". Điều này giúp Bình Phước có thể tận dụng tối đa thị trường đã được "chuẩn bị sẵn", kinh nghiệm phát triển và các nguồn lực khác như cảng trung chuyển quốc tế, các tuyến giao thông kết nối, lực lượng doanh nghiệp. Mặt khác, tư duy phát triển xanh, dịch chuyển cơ cấu kinh tế toàn cầu, dịch chuyển chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng… đang là cơ hội rất lớn cho Bình Phước khi tỉnh đang có dư địa về quỹ đất, không gian phát triển. Điều này được dự báo sẽ là đòn bẩy rất lớn cho thị trường BĐS tỉnh phát triển tỉnh phát triển.