Trong quý đầu năm nay, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế khoảng 255 tỷ đồng, mức cao nhất của một quý tính từ năm 2005 đến nay. So với cùng kỳ 2021, mức lãi của doanh nghiệp này tăng 25%.
Tương tự, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số, lần lượt đạt gần 26% và hơn 32% so với quý I/2021. Còn Công ty cổ phần Traphaco (TPC) và Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Vidipha (VDP) cùng ghi nhận lãi sau thuế tăng quanh mốc 55%.
Riêng lợi nhuận của Công ty cổ phần SPM quý này tăng đột biến gần 135% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên tính về giá trị thực tế chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, mức thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành. So với kế hoạch lợi nhuận năm nay, doanh nghiệp này đã hoàn thành hơn một phần ba chỉ tiêu.
Nguyên nhân chính đưa lợi nhuận các doanh nghiệp ngành dược tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu sử dụng thuốc và dược phẩm tăng cao.
DHG cho biết, các sản phẩm dinh dưỡng và sản phẩm liên quan điều trị Covid-19 như Klamentin, Medlon, Bocalex... có nhu cầu tiêu thụ lớn. Còn với Traphaco, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ tại phiên họp thường niên mới đây rằng, các sản phẩm thuốc ho, nước súc miệng... được tiêu thụ tốt suốt thời gian qua.
Tương tự, trong quý vừa qua, Domesco cũng tung các sản phẩm mới hỗ trợ điều trị, phòng chống Covid-19 và hậu Covid-19, đóng góp lớn cho việc tăng doanh thu và lợi nhuận.
Trong báo cáo hồi đầu năm, SSI cho rằng, với tỷ lệ tiêm chủng cao, trong khi các biến thể mới có khả năng ít nguy hiểm hơn cùng tỷ lệ nhập viện thấp, nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong năm nay sẽ sớm vượt qua mức trước dịch. Từ đó, nhóm dược phẩm sẽ có thêm phần doanh thu đáng kể từ các dòng thuốc hạ sốt và vitamin, vốn được sử dụng thường xuyên để điều trị các triệu chứng Covid-19 nhẹ.
Theo đơn vị này, các công ty dược phẩm có thể ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực ngay trong nửa đầu năm và có thể kéo dài kịch bản tích cực cho cả năm 2022.
Ngoài ra, tình hình kinh doanh của các công ty dược khởi sắc còn nhờ nhu cầu khám chữa bệnh tăng lên sau thời gian ngưng trệ do dịch bệnh. Trong báo cáo của Chứng khoán SSI, các chuyên gia kỳ vọng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sẽ phục hồi và tăng trưởng 13% so với năm trước. Tác động từ dịch Covid-19 sẽ ít nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí mang lại một số lợi ích tích cực cho nhóm này.
Các doanh nghiệp cũng đang trên lộ trình tái cơ cấu, nhờ đó lợi nhuận ngày càng được cải thiện. Trong đó, Imexpharm và SPM cơ cấu lại danh mục sản phẩm, đẩy mạnh nhóm có giá trị và biên lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, trong một báo cáo cuối tháng 3 của SSI dự báo giá thuốc sẽ tăng nhẹ thời gian tới. Đây được xem là tất yếu do các công ty dược phẩm đã phải ứng phó với việc giá nguyên liệu (API) neo ở mức cao.
SSI nhấn mạnh khả năng Trung Quốc sẽ thắt chặt các chính sách trong sản xuất API với mục đích bảo vệ môi trường. Điều này có thể khiến giá nguyên liệu tăng cao hơn và đòi hỏi các doanh nghiệp phải đa dạng hóa các nguồn cung khác để giải quyết rủi ro trên.