Trả lời về cơ chế mua bán điện trực tiếp vừa được Chính phủ ban hành, những vướng mắc và khó khăn trong triển khai thực hiện tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 6-7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay nghị định 80 được Chính phủ ban hành với hai cơ chế là mua bán điện qua đường dây riêng và mua bán điện qua lưới điện quốc gia giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.
Trong tình huống khẩn cấp sẽ thành lập tổ phản ứng nhanh
Theo thứ trưởng, sau khi nghị định ban hành, bộ trưởng Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị triển khai, với sự tham gia của 63 tỉnh thành, bộ ngành, cơ quan trung ương, tổ chức quốc tế có liên quan để triển khai.
Nhìn nhận về những khó khăn, ông Nhật Tân cho biết bất cứ văn bản pháp luật nào ban hành cũng vừa tạo động lực cho phát triển, vừa có vướng mắc trong thực thi. Đây là cơ chế mới nên cũng không ngoại lệ, đặc biệt mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng, không kết nối lưới điện quốc gia.
Cũng bởi hai bên là đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng lớn sẽ phải tự thỏa thuận đàm phán giá cả. Hợp đồng được quy định mang tính định hướng, còn các nội dung cụ thể là do hai bên đàm phán, nên ông Tân cho rằng "chắc chắn sẽ có sự lúng túng" trong thực hiện.
Đối với việc mua bán điện thông qua hệ thống điện quốc gia, ông nói khó khăn đặt ra là vừa phải đảm bảo tính hệ thống và an toàn trong vận hành lưới điện, cũng như đáp ứng nhu cầu mua bán điện của cả bên mua và bên bán. Do đó, vai trò của đơn vị vận hành là trung tâm điều độ điện quốc gia là quan trọng để xây dựng quy trình riêng.
Để tháo gỡ khó khăn, ông Tân cho biết đã giao các đơn vị triển khai hướng dẫn văn bản, nhằm đảm bảo tính đồng bộ. Các đơn vị điện lực rà soát các thông tin liên quan, dự báo tình hình, đề ra giải pháp thực hiện. Trong tình huống khẩn cấp, bộ thành lập tổ công tác theo dõi và phản ứng nhanh để thực hiện.
Ngoài ra, thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết đã đề nghị các địa phương cần tạo điều kiện và rà soát quy hoạch, đồng bộ các quy định xây dựng, phòng cháy chữa cháy, phát triển nhà máy điện đáp ứng nhu cầu khách hàng lớn.
Hiện EVN cũng đang chịu trách nhiệm quản lý đơn vị vận hành hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu đăng ký khách hàng lớn...
Trả lời về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng GDP và thu hút đầu tư FDI, ông Trần Quốc Phương - thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho hay kỳ vọng tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm là tích cực, được đánh giá tăng trưởng đột phá, tạo nền tảng tốt đáp ứng yêu cầu nghị quyết 01 của Chính phủ.
Ưu tiên chọn phương án tăng GDP ở mức cao 7%
"Với kết quả tăng trưởng tích cực như vậy, cộng đồng xã hội kỳ vọng kết quả tăng trưởng cuối năm sẽ tốt đẹp hơn" - ông Phương nói và đưa ra hai kịch bản điều hành trong 6 tháng cuối năm.
Cụ thể, với kịch bản cơ sở tăng 6-6,5% thì tăng trưởng quý 3, và quý 4 là 6,5%. Đây là quý động lực của năm, nên mức độ 6,5% có tính khả thi lớn và có cơ sở kỳ vọng kết quả cao hơn, đạt mức cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra.
Vì vậy, bộ đã tham mưu Chính phủ lựa chọn phương án hai cao hơn, tăng trưởng cả năm là 7%. Như vậy 2 quý cuối năm dự kiến sẽ đạt 7,4-7,6%, nếu gặp các yếu tố thuận lợi và khắc phục được các hạn chế.
Về khả năng thu hút FDI, ông Phương cho hay đã đạt kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm và duy trì xu hướng khá. Tổng vốn FDI đạt 15,2 tỉ USD, tăng 13,1%, trong đó vốn đăng ký mới đạt hơn 9,5 tỉ USD, rất đáng quan tâm, giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vốn giải ngân cũng đạt cao, ghi nhận nhiều dự án quy mô lớn được mở rộng.
"Kỳ vọng 6 tháng cuối năm là hết sức lạc quan, không chỉ đánh giá từ cơ quan trong nước mà cả các tổ chức nước ngoài" - ông Phương nói và cho hay niềm tin nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là tích cực, thể hiện mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Do đó, mục tiêu thu hút FDI năm nay là 39-40 tỉ USD.