Tài chính

Trung Quốc phát hiện “hạt lạ” cực hiếm: Tiềm năng trở thành báu vật mới cả thế giới khao khát cho các ngành CNTT, hàng không, năng lượng...

Trung Quốc phát hiện “hạt lạ bé li ti” cực quý hiếm tại mỏ lớn nhất thế giới: Tiềm năng trở thành báu vật mới ứng dụng cho hàng loạt ngành CNTT, hàng không, năng lượng- Ảnh 1.

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) mới đây công bố rằng các nhà địa chất Trung Quốc đã phát hiện ra hai loại khoáng sản mới tại mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới ở phía bắc Trung Quốc.

Hai khoáng chất niobium và scandium mới được đặt tên là Oboniobite và Scandio-fluoro-eckermannite. Chúng được phát hiện tại mỏ Bayan Obo ở Khu tự trị Nội Mông. Văn phòng CAS xác nhận với Tân Hoa Xã ngày 5/7 rằng phát hiện này được thực hiện thông qua sự hợp tác giữa Viện Địa chất và Địa vật lý CAS, Công ty Inner Mongolia Baotou Steel Union, Viện Nghiên cứu Đất hiếm Baotou và Đại học Trung Nam.

Li Xianhua, một học giả CAS, thay mặt cho Viện Địa chất và Địa vật lý CAS, đã công bố phát hiện này. Ông lưu ý rằng Hiệp hội Khoáng vật học Quốc tế đã xác nhận chúng là khoáng sản mới và phê duyệt tên gọi của chúng.

Niobium và scandium đều là những kim loại cực kỳ quan trọng mang tính chiến lược. Niobium chủ yếu được sử dụng trong các loại thép đặc biệt, vật liệu siêu dẫn và công nghiệp hàng không vũ trụ. Trong khi đó, scandium được sử dụng rộng rãi trong hợp kim nhôm-scandium và pin nhiên liệu oxit rắn (SOFC).

Ông Li cho biết các khoáng chất mới chứa các nguyên tố có giá trị ứng dụng quan trọng trong các lĩnh vực như vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ thông tin (CNTT), hàng không vũ trụ, quốc phòng và công nghiệp quân sự. Đồng thời chúng có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.

Tổng giám đốc Li Xiao của công ty sản xuất thép lớn tại Trung Quốc - Inner Mongolia Baotou Steel Union – cho biết khu mỏ Bayan Obo có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào như sắt, niobium, scandium, thorium và fluorite.

Li Xiao cho biết kể từ năm 1959, 18 khoáng sản mới đã được phát hiện tại mỏ này. Oboniobite và Scandio-fluoro-eckermannite là khoáng sản thứ 19 và 20 được phát hiện ở đây.

Nhà nghiên cứu Fan Hongrui của Viện Địa chất và Địa vật lý CAS cho biết Oboniobite có màu từ vàng nâu đến nâu, kết cấu dạng tấm và có kích thước từ 20-100 micromet.

Scandio-fluoro-eckermannite là khoáng vật chứa scandium đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc. Nó được đặt theo tên của học giả CAS Zhai Mingguo để vinh danh những đóng góp nổi bật của ông trong nghiên cứu về trữ lượng khoáng sản của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Fan cho biết nó có màu vàng nhạt hoặc xanh nhạt, kết cấu hình trụ và kích thước lên tới 350 micromet.

Theo Tân Hoa Xã

Cùng chuyên mục

Đọc thêm