Thời sự

Thủ tướng: Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 7% trong quý III

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bất ổn, khó lường, đặc biệt là xung đột quân sự, bất ổn chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực; đồng tiền của nhiều nước mất giá mạnh so với USD; giá vàng, xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa, vận tải thế giới… biến động mạnh.

Trong bối cảnh đó, các hoạt động kinh tế - xã hội trong nước phục hồi tích cực hơn, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước; tăng trưởng vượt dự báo của các tổ chức và kịch bản điều hành, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Nguồn: VGP). 

Cập nhật hai kịch bản tăng trưởng

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết 01 (6,0%). Các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ duy trì đà tăng khá.

Khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý II tăng 8,55%, tính chung 6 tháng tăng 7,54%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo quý II tăng 10,04%, tính chung 6 tháng tăng 8,67%. Tháng 6, có gần 23,3 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ.

Đồng thời, các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý II tăng 7,5% so với cùng kỳ; 6 tháng tăng 6,8%, trong đó đầu tư tư nhân tăng 6,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,8%).

Tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%. Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng… được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn.

Trên cơ sở kết quả quý II, 6 tháng và dự báo cả năm, Bộ KH&ĐT dự báo 2 kịch bản tăng trưởng.

Ở kịch bản thứ nhất, tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng quý III là 6,5%, quý IV là 6,6% (kịch bản tại Nghị quyết số 01 là 6,7% và 7,0%).

Ở kịch bản thứ hai, tăng trưởng cả năm đạt 7%, tăng trưởng quý III là 7,4%, quý IV là 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01 là 0,7% và 0,6%.

Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống 

Phát biểu tại hội nghị, bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế ở một số địa phương còn thấp; trong đó một số đầu tàu kinh tế có tốc độ tăng trưởng thấp hơn bình quân chung cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa.

Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn; trong 6 tháng có 110,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,4%.

Nợ xấu có xu hướng tăng. Đến hết tháng 6 còn 29,9 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đạt thấp hơn cùng kỳ (29,39% so với cùng kỳ là 30,49%).

Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; việc triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội. Một số bộ, cơ quan chưa đảm bảo thời hạn trình các dự án luật, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Nguồn: VGP).  

Thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ mục tiêu là phấn đấu đạt tăng trưởng GDP từ 6,5 - 7% trong quý III, sau đó xác định mục tiêu phù hợp trong quý IV; lạm phát giữ ở mức dưới 4,5%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư, bảo đảm an ninh tài chính-tiền tệ quốc gia, giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. 

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa và tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Tiếp tục điều tiết tỉ giá, mặt bằng lãi suất phù hợp; trong đó lưu ý giảm mặt bằng lãi suất cho vay, chi phí vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng, tăng tiếp cận vốn tín dụng.

Giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Siết chặt kỷ luật tài chính- ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, tiết kiệm chi; đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế, nhất là từ thương mại điện tử. Tiếp tục thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất.

Tăng cường công tác quản lý giá; kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; kiên quyết không để thiếu điện.

Về giải ngân vốn đầu tư công và  chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ; kiên quyết điều chuyển 29,9 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết; tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn ODA; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, khuyến mại, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, thúc đẩy tăng cung của nền kinh tế, trong đó lưu ý tập trung thực hiện các giải pháp phát triển cả ba khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm