Doanh nghiệp

Chuỗi cà phê trụ hơn 10 năm trên "đất vàng" Hàn Thuyên: Được công ty mẹ Highlands Coffee mua lại với giá 350 triệu USD, "đồng hương" với Starbucks

Hơn 10 năm trụ vững trên "đất vàng" Hàn Thuyên

Mặt bằng trên phố Hàn Thuyên tại Quận 1 (TP.HCM) thu hút đông đảo sự chú ý của dư luận kể từ khi cửa hàng Starbucks Reverse phải rời địa chỉ này hồi tháng 8, sau 7 năm gắn bó. Lý do được cho là không thể đàm phán gia hạn hợp đồng. Trong khi đó, Starbucks Hàn Thuyên là cửa hàng duy nhất tại TP.HCM được triển khai theo mô hình Reserve của Starbucks, mang đến trải nghiệm cà phê cao cấp hơn.

Sau gần nửa năm, căn nhà góc 2 mặt tiền rộng 210 m2 ở địa chỉ 11-13 Hàn Thuyên vẫn đang bị bỏ trống. Theo thông tin từ các trang bất động sản, giá cho thuê mới là 30.000 USD/tháng (khoảng 757 triệu đồng), tương đương 9 tỷ đồng/năm, tăng hơn 600 triệu đồng/năm so với giá thuê cũ. Chủ mặt bằng còn rao bán “đứt” luôn khu đất với giá 630 tỷ đồng, tương đương 3 tỷ/m2.

Tuy nhiên, có một quán cà phê vẫn trụ vững trên “đất vàng” Hàn Thuyên từ năm 2013 tới bây giờ, chỉ cách vị trí cũ của Starbucks Reverse hơn 30 mét. Đó là The Coffee Bean & Tea Leaf (thường được gọi tắt là The Coffee Bean) – một trong những thương hiệu trà và cà phê lâu đời nhất tại Mỹ, ra đời từ năm 1963 và hiện diện tại thị trường Việt Nam từ năm 2008, thuộc công ty International Coffee & Tea có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ).

Cơ sở The Coffee Bean Hàn Thuyên được khai trương hồi tháng 10/2013, hoạt động xuyên suốt 24h tất cả các ngày trong tuần kể từ tháng 11/2018. Theo thông tin trên website của thương hiệu, The Coffee Bean hiện có 7 cửa hàng ở Việt Nam, tất cả đều tại TP.HCM, trong đó có 4 cơ sở hoạt động 24h.

Chuỗi cà phê trụ hơn 10 năm trên "đất vàng" Hàn Thuyên: Được công ty mẹ Highlands Coffee mua lại với giá 350 triệu USD, "đồng hương" với Starbucks- Ảnh 1.

Cửa hàng The Coffee Bean & Tea Leaf Hàn Thuyên.

Vào Việt Nam năm 2008, The Coffee Bean hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp, với mức giá cao hơn hẳn so với những thương hiệu cà phê khác trên thị trường. Mục tiêu của họ là “mang đến những loại trà và cà phê hảo hạng với hương thơm và mùi vị ngon nhất thế giới”.

Khi đó, một thương hiệu chuỗi cà phê đình đám khác từ Úc là Gloria Jean's Coffees cũng đã gia nhập thị trường Việt Nam, và tới năm 2009 là sự xuất hiện của New York Dessert Café từ Singapore.

Từ thế khó tại thị trường Việt Nam đến thương vụ bán mình cho Jollibee

The Coffee Bean từng chạm đến con số 20 cửa hàng tại Việt Nam ở thời điểm năm 2014, thậm chí lọt top 10 chuỗi cửa hàng cà phê có doanh thu cao nhất thị trường.

Tuy nhiên, The Coffee Bean ngày càng rơi vào thế khó tại một thị trường đặc thù như Việt Nam. Người Việt vốn quen thuộc với hạt cà phê robusta, trong khi các thương hiệu nước ngoài sử dụng hạt arabica. Hơn nữa, mức giá đắt đỏ chưa phù hợp với túi tiền của đa số người dân trong thập niên 2000 – 2010.

Năm 2016, New York Dessert Café ngậm ngùi rời thị trường Việt Nam. Một năm sau đó, Gloria Jean's Coffees cũng phải nói lời tạm biệt.

Về phía The Coffee Bean, năm 2016 chuỗi này đạt doanh thu 137 tỷ đồng và lỗ 20 tỷ đồng. Sau 8 năm có mặt tại Việt Nam, công ty lỗ lũy kế 144 tỷ đồng, âm vốn điều lệ 140 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là giá vốn của công ty luôn cao hơn doanh thu. Điều này cho thấy mức giá của The Coffee Bean tuy đắt đỏ nhưng không đủ bù lại chi phí thuê mặt bằng, nguyên liệu…

Chuỗi cà phê trụ hơn 10 năm trên "đất vàng" Hàn Thuyên: Được công ty mẹ Highlands Coffee mua lại với giá 350 triệu USD, "đồng hương" với Starbucks- Ảnh 2.

Kể từ năm 2016, doanh thu của cả chuỗi liên tục giảm, lỗ hàng chục tỷ đồng trong nhiều năm. Đầu năm 2019, cửa hàng The Coffee Bean trên đường Thanh Niên (Hà Nội), với một mặt nhìn ra hồ Tây và một mặt nhìn sang hồ Trúc Bạch, chính thức đóng cửa.

Ngay trong năm 2019, bước ngoặt lớn đã xảy ra. Tập đoàn Jollibee Foods Corp (JFC) của Philippines - chủ sở hữu thương hiệu đồ ăn nhanh Jollibee, chuỗi cà phê Highlands Coffee và chuỗi Phở 24 - quyết định chi 350 triệu USD thâu tóm toàn bộ chuỗi The Coffee Bean & Tea Leaf.

Cụ thể, Tập đoàn Jollibee mua lại The Coffee Bean thông qua việc rót 100 triệu USD giá trị cổ phần vào một công ty tại Singapore và trả phần còn lại thông qua các khoản ứng trước tiền mặt. Tại thời điểm đó, đây là khoản đầu tư lớn chưa từng có của Jollibee.

Tuy nhiên, trái ngược với độ phủ ngày càng gia tăng mạnh mẽ của Highlands Coffee – chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam hiện nay, The Coffee Bean vẫn chỉ duy trì số lượng cửa hàng khiêm tốn tại TP.HCM, tập trung trong các trung tâm thương mại và những khu vực đông người nước ngoài.

Chỉ với 7 cửa hàng, thị trường Việt Nam giữ vai trò không quá quan trọng với The Coffee Bean. Báo cáo của Tập đoàn Jollibee cũng chưa từng đề cập đến tình hình hoạt động và đóng góp của thị trường Việt Nam trong kết quả kinh doanh của chuỗi cà phê này.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm