Thị giá gấp 3
Phiên 26/12 đánh dấu bước ngoặc mới của Tổng công ty khoáng sản TKV (Vimico - Mã: KSV) khi chạm 130.300 đồng/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa của doanh nghiệp lần đầu tiên vượt mốc tỷ USD với hơn 26.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý khi đây đã là phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp, thuộc trường hợp phải giải trình diễn biến cổ phiếu với cơ quan quản lý.
Thanh khoản cổ phiếu cũng tăng đáng kể trong một tháng gần đây với trung bình 80.000 cổ phiếu/phiên, gấp 2,5 lần mức bình quân tính theo năm.
Nhìn rộng ra, KSV giao dịch tương đối lình xình quanh vùng 50.000 đồng/cổ phiếu trong phần lớn thời gian của năm 2024. Tuy nhiên, mã chứng khoán bất ngờ có sóng từ tháng 12 khi tăng dựng đứng, gấp 2,8 lần giá trị trong chưa đầy một tháng.
Vimico đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào ngày 2/2/2023 tại mức 30.000 đồng/cổ phiếu (chưa điều chỉnh). Như vậy, thị giá hiện gấp gần 5 lần so với thời điểm niêm yết gần hai năm trước.
KSV hiện thuộc nhóm đắt đỏ nhất thị trường chứng khoán và càng khó sở hữu lượng lớn do tính chất cô đặc. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang nắm giữ 98,06% cổ phiếu đang lưu hành nên chỉ còn 3,9 triệu cổ phiếu được tự do giao dịch.
Vimico là công ty thành viên thuộc Vinacomin, là doanh nghiệp hàng đầu trong nước về khai thác, tuyển luyện, gia công chế biến khoáng sản kim loại màu và kim loại quý hiếm như: vàng, đồng, kẽm, chì, bạc...
Tổng công ty còn đang quản lý và khai thác Đông Pao - mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước. Mỏ có diện tích gần 133 ha tại tỉnh Lai Châu, với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa trữ lượng đất hiếm của cả nước. Các nguồn đất hiếm còn lại được phân bố chủ yếu ở Nậm Xe (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Bái.
Năm 2023, Vimico sản xuất được 962kg vàng thỏi, 1.744kg thép thỏi, 11.660 tấn kẽm thỏi, 135 tấn thiếc thỏi, 67.543 tấn quặng đồng (25% Cu), 29.178 tấn đồng cathode (99,95% Cu)... Doanh thu ghi nhận 11.912 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 134 tỷ đồng.
Năm 2024, tổng công ty đặt kế hoạch sản xuất 956kg vàng thỏi, 74.080 tấn tinh quặng đồng, 30.000 tấn đồng cathode (99,95% Cu), 1.832kg bạc thỏi... Chỉ tiêu doanh thu 12.048 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng.
Sau 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 9.165 tỷ đồng và lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 807 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 578% so với cùng kỳ. Qua đó, Vimico đã hoàn thành 76% mục tiêu doanh thu và 269% mục tiêu lợi nhuận.
Theo giải trình kết quả kinh doanh, lợi nhuận công ty tăng mạnh là nhờ giá bán bình quân các sản phẩm chính tăng cao so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là giá vàng.
Cụ thể, giá bán đồng tấm tính đến tháng 9 là 228 triệu đồng/tấn, tăng 29 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ (14,6%); giá bán vàng 1.737 triệu đồng/kg, tăng 414 triệu đồng/kg (31%); giá bán bạc 17,4 triệu đồng/tấn, tăng 3,8 triệu đồng/tấn (28%); giá bán tinh quặng Manhetit là 1,6 triệu đồng/tấn, tăng 0,5 triệu đồng/tấn (45%).
Tổng Giám đốc Vimico Vũ Anh Tuấn nói đang tập trung đẩy nhanh các dự án trọng điểm như dự án khai thác mở rộng Mỏ đồng Sin Quyền Lào Cai, dự án khai thác khu Bắc mỏ sắt Nà Rụa Cao Bằng, tích cực xin chủ trương đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thống nhất phương án tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Trong buổi tổng kết 11 tháng, lãnh đạo Vimico cho biết tổng doanh thu hợp nhất đạt 11.968 tỷ và lợi nhuận 1.117 tỷ đồng. Dự kiến doanh thu cả năm có thể đạt 13.327 tỷ đồng và lợi nhuận 1.296 tỷ đồng, đều là con số kỷ lục.
Trong năm 2023, Vimico đã triển khai xong công tác thăm dò nâng cấp trữ lượng mỏ đồng Sin Quyền Lào Cai. Kết quả thăm dò bổ sung thêm trữ lượng là 749.127 tấn quặng (tương ứng 7.550 tấn đồng kim loại) và thành phần có ích đi kèm trong quặng đồng bao gồm 444 kg vàng, 1.049 kg bạc, 38.680 tấn tinh quặng.
Dự án khai thác khu Bắc mỏ sắt Nà Rụa Cao Bằng là dự án của đơn vị thành viên Gang thép Cao Bằng, dự án đang bị vướng ở khâu giải phóng mặt bằng. Mỏ được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp phép khai thác từ 2011 với trữ lượng quặng sắt 9,6 triệu tấn. Mỏ chia làm 2 phân khu, phân khu Nam trữ lượng 1,46 triệu tấn đã được khai thác từ 2011, khu Bắc trữ lượng 8,17 triệu tấn chưa được khai thác.
Công ty Đất hiếm Lai Châu vẫn trong giai đoạn đầu tư, tìm kiếm đối tác hợp tác và chưa đi vào hoạt động nhưng vẫn lỗ 38 tỷ đồng do phát sinh khoản chậm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.