VTP:
Tại Lễ ra quân sản xuất kinh doanh 2024 - Khai trương tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh của TCT Bưu chính Viettel (Viettel Post) ngày 17/1/2024, ông Tào Đức Thắng – Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Viettel yêu cầu Viettel Post thực hiện bằng được nhiệm vụ xây dựng hạ tầng logistics quốc gia, bao gồm công viên logistics, cửa khẩu thông minh, cảng cạn ICD... và cung cấp giải pháp toàn trình cho logistics xuyên biên giới.
Thời điểm đó, các khái niệm công viên logistics, hạ tầng logistics xuyên biên giới đối với người nghe vẫn còn rất xa xôi. Nhiều người nói rằng, có lẽ phải cả thập kỷ nữa Viettel mới thực hiện được tham vọng này.
Nghi ngờ là điều dễ hiểu, khi ngành logistics Việt Nam – dù có tốc độ tăng trưởng cao và được đánh giá vô cùng tiềm năng, nhưng nằm trong cảnh phát triển manh mún , còn nhiều bất cập nên chi phí vẫn cao.
Thêm vào đó, doanh nghiệp logistics Việt Nam hầu hết là nhỏ, chưa triển khai các giải pháp toàn trình hiện đại. Xây dựng một hạ tầng đồng bộ trong nước đã khó, tham vọng logistics xuyên biên giới với giải pháp toàn trình, hiện đại, tự động hoá cao, với Trung Quốc, ASEAN và các quốc gia khác là một điều gì đó rất xa vời.
Nhưng đến ngày 11/12/2024, Công viên logistics lớn nhất và ứng dụng công nghệ hiện đại nhất tại Việt Nam do Viettel Post xây dựng đã được khai trương. Nền tảng cho hạ tầng logistics xuyên biên giới chuyên nghiệp và hiện đại cũng đã được thiết lập. Những ‘điều không tưởng’ được hiện thực hoá trong vòng 2 năm.
Ông Hoàng Trung Thành, Tổng Giám đốc của Viettel Post cho biết, logistics được xác định là một trong những trụ cột phát triển của Tập đoàn Viettel và được Ban Tổng giám đốc quan tâm, dành thời gian, nguồn lực, chỉ đạo chiến lược và thúc đẩy liên tục.
Về phía Viettel Post, nhân tố thúc đẩy nhanh, mạnh hơn tiến trình làm logistics xuyên biên giới toàn trình, hiện đại, tự động hoá cao đến từ tình trạng ‘giải cứu’ dưa hấu, thanh long… hàng năm của Việt Nam. Vào lúc cao điểm, hàng trăm container nông sản Việt Nam cần được giải cứu mỗi ngày.
Lý do tắc biên bắt nguồn từ các nghiệp vụ thông quan được thực hiện tập trung ở cửa khẩu, các dịch vụ logistics xuyên biên giới hầu hết là thủ công, lại không có đơn vị làm toàn trình, bị cắt đoạn, với năng suất thấp gây ra nghẽn cổ chai.
Hiện nay, một chuyến xe hàng nông sản đông lạnh của Việt Nam thông quan sang Trung Quốc phải chờ 5-7 ngày. Việc phải chờ lâu ở cửa khẩu, đi kèm với yếu tố thời tiết khiến giá trị thương mại của nông sản Việt Nam khi sang đến Trung Quốc thường bị giảm khoảng 20-30%.
Chưa hết, mỗi xe container chở hàng nông sản đông lạnh phải đậu ở bãi thì ngày đầu tiên phải trả 500.000 đồng, ngày thứ hai là 1 triệu, ngày thứ ba là 1,5 triệu, từ ngày thứ tư trở đi là 2 triệu. Trong điều kiện bình thường, số tiền đậu xe chờ thông quan đã cao, còn khi tắc biên phải chờ hàng chục ngày chưa chắc sang được Trung Quốc thì không chủ hàng nào chịu nổi.
Với kim ngạch xuất khẩu nông sản, trái cây tươi sống của Việt Nam khoảng 12 tỷ USD (năm 2023), hệ thống thông quan thông minh có thể giảm tỷ lệ hư hỏng xuống còn 10% và đem về thêm 1 tỷ USD cho các doanh nghiệp nông nghiệp. Đây là chưa kể hệ thống này sẽ giúp tăng số chuyến xe chở hàng mỗi tháng, tiết kiệm tiền khấu hao, tiền bến bãi và chi phí lương tài xế.
Để thực hiện chiến lược xây dựng hạ tầng logistics quốc gia cũng như cung cấp dịch vụ toàn trình xuyên biên giới theo chiến lược của Tập đoàn Viettel, Viettel Post đã cử nhiều đoàn công tác đi các nước để khảo sát. Theo dự kiến, giai đoạn 1, Viettel sẽ phát triển thị trường logistics ở Đông Nam Á và Trung Quốc, giai đoạn 2 sẽ là Nhật, Hàn, Trung Đông, châu Âu, Bắc Mỹ và Ấn Độ.
Tháng 4/2023, đoàn công tác Viettel Post có chuyến đi Trung Quốc đầu tiên: làm việc với lãnh đạo thành phố Bằng Tường, rồi tỉnh Nam Ninh. Tại Nam Ninh, Viettel Post được chính quyền nơi đây dành nguyên 1 ngày giới thiệu về Khu bảo thuế và bị choáng ngợp bởi quy mô khổng lồ cũng như quy trình vận hành chuyên nghiệp.
Rồi họ tiếp tục đi tới Quảng Châu làm việc với Alibaba, JD…, đến Thượng Hải để gặp các công ty logistics khác của Trung Quốc. Sau chuyến đi đó, lãnh đạo Viettel Post đã tìm thấy lối ra cho bài toán “giải cứu dưa hấu, thanh long” ở Lạng Sơn, cũng như cách thức triển khai chiến lược hạ tầng logistics quốc gia và dịch vụ logistics toàn trình xuyên biên giới.
Về Việt Nam, lãnh đạo Viettel Post tiếp tục đi tìm gặp nhiều doanh nghiệp, cơ quan, ban ngành Việt Nam để tìm kiếm sự hợp tác giúp đỡ. Rồi họ quay trở lại Trung Quốc nhiều lần, gặp chính quyền cũng như doanh nghiệp nước bạn để tìm phương án thực hiện. Ý tưởng về công viên logistics dần thành hình.
Với việc 90% sản lượng nông sản tươi sống của Việt Nam được xuất khẩu và chỉ có 10% được tiêu thụ nội địa thì sự yếu kém trong hạ tầng và công nghệ bảo quản sau thu hoạch, sự tắc nghẽn khi thông quan ở cửa khẩu là nút thắt của tăng trưởng.
Nếu có hạ tầng lưu trữ và bảo quản lạnh để hàng hoá sau thu hoạch có thể duy trì trạng thái tốt trong 2-3 tháng, thậm chí là 1-2 năm và đẩy nhanh được quá trình thông quan thì vấn đề suy giảm giá trị xuất khẩu của nông sản Việt Nam sẽ được giải quyết.
Vấn đề căn cơ ở đây là một hệ thống hạ tầng kết nối xuyên suốt từ vùng nguyên liệu trồng, kho bãi lưu trữ, phương tiện vận tải… cho đến các trung tâm logistics với dịch vụ toàn trình, chuyên nghiệp, công nghệ hiện đại phục vụ cho việc xuất khẩu đặt tại cửa khẩu.
Tuy nhiên, xây dựng một hạ tầng như thế rất phức tạp. Ngoài việc đơn vị thực hiện phải có tiềm lực mạnh về tài chính cũng như năng lực lõi về logistics, dự án này đòi hỏi sự phối hợp cùng hành động quyết liệt, vì lợi ích chung của rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền của cả 2 nước Việt Nam – Trung Quốc.
Trước đó, có nhiều đơn vị làm dịch vụ logistics xuyên biên giới ở Lạng Sơn nhưng với các công đoạn đơn lẻ, làm thủ công và cũng không có sự phối hợp đồng bộ giữa các khâu, cũng như các cơ quan ban ngành nên năng suất thấp, thời gian chậm và tạo ra nhiều điểm nghẽn khi thông quan.
Với Viettel Post, sau chuyến đi tháng 4/2023, ban lãnh đạo công ty đã lên một kế hoạch tổng thể trong đó tập trung trước mắt vào việc phát triển một giải pháp toàn trình chuyên nghiệp, với công nghệ hiện đại cho logistics xuyên biên giới và Công viên logistics Lạng Sơn là dự án trọng điểm. Tuy nhiên, đây sẽ là dự án rất khó thực hiện nếu như bối cảnh vĩ mô không tạo thuận lợi cho kế hoạch của Viettel Post.
Bởi ngày 26/06/2023, tại Lạng Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận khung về hợp tác xây dựng cửa khẩu thông minh giữa UBND tỉnh Lạng Sơn và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây.
Thế nhưng, việc xây dựng cửa khẩu thông minh chỉ có thể thực hiện được nếu xây dựng được một hạ tầng logistics xuyên biên giới với giải pháp hiện đại, đồng bộ, toàn trình. Đây sẽ là một dự án có thể mất nhiều năm để thực hiện bởi cần kết nối được nhiều nguồn lực đặc biệt, sợ hợp tác của nhiều cơ quan ban ngành khác nhau, và cả chính quyền ở biên giới 2 nước Việt Nam – Trung Quốc.
Dự án của Viettel Post xuất hiện vào đúng lúc tỉnh Lạng Sơn đang tìm kiếm một đơn vị đủ uy tín, năng lực để giải quyết các thách thức này, và phía Trung Quốc cũng mong muốn được hợp tác với một đối tác có chuyên môn sâu và làm chủ các công nghệ hiện đại về logistics.
Khu vực cửa khẩu Lạng Sơn từ trước đến nay vẫn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Gần 50% hàng hóa xuất nhập khẩu đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đi qua đây, với kim ngạch dự kiến đạt 52 tỷ USD vào năm 2024. Lạng Sơn không chỉ là cửa ngõ giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn là con đường ngắn nhất kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN như Thái Lan, Lào.
Theo Tổng giám đốc của Viettel Post, khi Công viên logistics Lạng Sơn đi vào hoạt động, với diện tích giai đoạn 1 là 58ha và các công năng được thiết kế, năng lực xử lý thông quan ở cửa khẩu Lạng Sơn sẽ lên 1.500 xe/ngày - tăng hơn gấp đôi so với hiện nay.
Với hệ thống công nghệ đồng bộ xuyên suốt gồm Smart Gate, Smart Inspection kết nối với dữ liệu của Hải quan Việt Nam (và tương lai là kết nối với hải quan Trung Quốc), thời gian xử lý và thông quan cho 1 container hàng hoá có thể rút ngắn 2 ngày. Trong tương lai, khi phía Trung Quốc đặt trạm kiểm định hàng hoá tại công viên này, thời gian thông quan tiếp tục rút ngắn thêm 2-3 ngày.
Đồng thời, xe ô tô của Trung Quốc có thể đi sang tận nơi nhập hàng từ Việt Nam và ngược lại, xe ô tô của Việt Nam có thể sang Trung Quốc chở hàng, giúp giảm thời gian chờ đợi.
Bên cạnh đó, hạ tầng kho lạnh, kho mát tại đây sẽ giải quyết bài toán về bảo quản, giảm tỷ lệ hư hỏng hàng hoá – “nỗi đau” của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Một vấn đề khác là khâu sang tải. Thay vì công nhân vác thùng để chuyển hàng giữa các xe như hiện tại, công viên logistics sẽ hoàn toàn tự động hoá để hàng hoá được kéo từ Việt Nam – Trung Quốc và ngược lại qua hệ thống băng chuyền và máy quét.
Công viên Logistics Lạng Sơn không chỉ rút ngắn thời gian thông quan từ 4-5 ngày xuống dưới 24h, khi kết hợp với dự án cửa khẩu thông minh, công viên này sẽ khép kín chuỗi cung ứng trong lĩnh vực logistics xuyên biên giới.
Chia sẻ khi khai trương Công viên Logistics Lạng Sơn ngày 11/12/2024, ông Hoàng Trung Thành – Tổng giám đốc Viettel Post xin được tri ân “3 người đồng hành” đã cùng Viettel Post tạo nên một dự án rất đặc biệt.
Người đồng hành đầu tiên mà ông Thành nhắc tới là các “đồng đội tại Viettel Post”. “Đó là nhiều anh em đã miệt mài tìm kiếm những người sẵn sàng cùng mình xây dựng dịch vụ logistics xuyên biên giới. Chúng tôi gặp ai có liên quan cũng hỏi, cũng chia sẻ, hoặc nhờ tư vấn để tìm người cùng chung tay làm việc khó”, ông Thành tâm sự.
Người đồng hành thứ hai là lãnh đạo Tập đoàn Viettel. “Lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo rất sát và quyết liệt, đồng thời ưu tiên nguồn lực tài chính, con người, công nghệ và cả mối quan hệ để hỗ trợ Viettel Post làm bằng được dự án Công viên Logistics Lạng Sơn cũng như chiến lược xây dựng hạ tầng logistics quốc gia”, ông Thành cho biết.
Người đồng hành thứ ba được CEO Viettel Post tri ân là những đối tác đã hỗ trợ nhiệt tình, cùng tham gia xây dựng Công viên logistics. Đó là Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, chính quyền tỉnh Lạng Sơn, Tổng Cục Hải quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp đối tác tại Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp, chính quyền các tỉnh phía Trung Quốc…
Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, khi thực hiện dự án Công viên logistics Lạng Sơn, có rất nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn mà nếu không có sự đồng hành đầy nhiệt huyết của lãnh đạo các cấp, vì lợi ích chung thì không thể thực hiện được.
“Mọi người đều rất sát sao, thúc đẩy liên tục, coi dự án này là việc của chính mình. Tất cả đều muốn xây dựng mô hình này thành công để thúc đẩy mạnh mẽ giao thương 2 nước và để không còn phải ‘giải cứu dưa hấu, thanh long’ mỗi năm nữa”, ông Thành nói.
Rồi ông Thành chia sẻ thêm: “Mọi người đều mong muốn xây dựng mô hình này từ lâu. Và khi gặp người Viettel, có lẽ ai cũng cảm nhận được nhiệt huyết và tin tưởng rằng đây chính là doanh nghiệp có thể làm được nên họ mới đồng hành và ưu tiên hỗ trợ như vậy”, ông Thành nói.
“Công viên Logistics Lạng Sơn có thể coi là một dự án đặc biệt của ‘3 người đồng hành’ đầy tâm huyết trong việc thúc đẩy giao thương giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Chúng tôi đã cùng nhau vượt qua nhiều rào cản để hoàn thành dự án trong một thời gian khó tin. Đó là thành quả lao động lớn của rất nhiều người”, ông Hoàng Trung Thành nhận xét.