Theo đó, FTSE nhận định Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được hai tiêu chí: “Chu kỳ thanh toán ” và “Chi phí liên quan đến các giao dịch thất bại trong thanh toán”. Cả hai đều đang được đánh giá ở mức “Hạn chế”.
Theo tổ chức này, vào tháng 11/2024, cơ quan quản lý thị trường Việt Nam đã triển khai mô hình không yêu cầu nộp tiền trước, cho phép các công ty chứng khoán trong nước cung cấp cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (FII) một mức vốn phù hợp để hỗ trợ lệnh mua chứng khoán, từ đó loại bỏ yêu cầu nộp tiền trước đối với FII.
Với diễn biến này, FTSE Russell tiếp tục theo dõi thị trường và thu thập ý kiến từ các thành viên thị trường về mô hình NPF cũng như cách xử lý các giao dịch thất bại.
Tổ chức này cũng cho rằng, quá trình mở tài khoản giao dịch mới cũng cần được cải thiện, thực tế đang diễn ra hiện nay có thể dẫn đến thời gian đăng ký kéo dài. Việc xây dựng một cơ chế hiệu quả nhằm tạo điều kiện giao dịch giữa nhà đầu tư nước ngoài trong các mã chứng khoán đã đạt hoặc sắp đạt giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) cũng được đánh giá là quan trọng.
![]() |
Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là vẫn chưa đáp ứng được hai tiêu chí: “Chu kỳ thanh toán” và “Chi phí liên quan đến các giao dịch thất bại trong thanh toán”. |
FTSE Russell đánh giá cao mối quan hệ hợp tác tích cực với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (SSC), các cơ quan quản lý thị trường khác và nhóm Ngân hàng Thế giới, những đơn vị đang hỗ trợ chương trình cải cách thị trường rộng lớn hơn.
FTSE Russell là một trong ba công ty cung cấp chỉ số hàng đầu thế giới gồm MSCI, FTSE Russell và S&P Dow Jones Indices, tạo cơ sở tham chiếu cho nhà đầu tư quốc tế.
Được biết, kỳ cập nhật tiếp theo của FTSE diễn ra vào tháng 9 tới. Đây cũng là mốc thời gian mà nhiều tổ chức phân tích trong nước kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), thống kê từ FTSE Russell cho thấy, trong 17 năm qua, có tới 21/25 trường hợp được nâng hạng thị trường diễn ra vào tháng 9. Điều này cho thấy, kỳ đánh giá tháng 9 hằng năm chính là “thời điểm vàng” để ra quyết định.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam cận kề cánh cửa nâng hạng, Công ty Chứng khoán BIDV nhận định rằng, với hơn 1.800 doanh nghiệp niêm yết, thanh khoản trung bình hàng tỷ USD mỗi phiên và dòng vốn ngoại ngày càng tăng trở lại, Việt Nam rõ ràng đã vượt xa tiêu chí của một thị trường cận biên truyền thống.