Thị trường chưa thể xác lập xu hướng rõ ràng
Việc Mỹ áp thuế cao hơn kỳ vọng (46%) đã khiến dòng vốn ngoại rút khỏi các thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Dù thị trường trong nước vẫn được nâng đỡ bởi dòng tiền nội, áp lực từ bên ngoài khiến đà tăng chững lại đáng kể.
VDSC cho rằng diễn biến thị trường trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc lớn vào kết quả đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác. Trong thời gian này, thị trường có thể tiếp tục biến động mạnh cho đến khi có tín hiệu rõ ràng về một thỏa thuận thương mại khả thi.

Diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu giai đoạn (2018-2019). (Nguồn: VDSC).
Lợi nhuận quý I tích cực, nhưng chưa đủ xoay trục thị trường
VDSC ước tính lợi nhuận ròng quý I/2025 của các doanh nghiệp niêm yết tăng khoảng 10% so với cùng kỳ, nhờ đóng góp lớn từ nhóm ngân hàng (tăng 12%) và bất động sản (tăng 193%). Tuy nhiên, triển vọng quý II có thể chịu sức ép nếu căng thẳng thương mại kéo dài.
Yếu tố hỗ trợ ngắn hạn chưa đủ mạnh để thị trường xoay trục rõ ràng. Trong khi đó, rủi ro chính sách vẫn là biến số lớn, chi phối tâm lý nhà đầu tư trong các phiên tới.
Ưu tiên chiến lược phòng thủ, tái cơ cấu danh mục
Trước bối cảnh biến động, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư giảm đòn bẩy, tận dụng các nhịp hồi phục ngắn để cơ cấu danh mục. Các cổ phiếu đầu ngành, ít phụ thuộc xuất nhập khẩu, có nền tảng tài chính vững được ưu tiên trong giai đoạn này.
Danh mục khuyến nghị bao gồm: CTG, VCB, BID, MBB, REE, POW, HPG, GEG, NT2, HAH, KDH. Với nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao, có thể cân nhắc cổ phiếu Beta cao trong nhịp phục hồi ban đầu, sau đó quay lại tỷ trọng chiến lược khi xu hướng rõ ràng hơn.
VDSC cũng điều chỉnh danh mục chiến lược, giảm tỷ trọng nhóm khu công nghiệp xuống 5%, đồng thời tăng cho nhóm ngân hàng và REE – các cổ phiếu có triển vọng thu nhập ổn định và ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan.
VN-Index đang tìm điểm cân bằng
VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ tìm điểm cân bằng quanh vùng 1.140–1.165 điểm và có thể phục hồi về 1.285 nếu đàm phán Mỹ–Việt đạt tiến triển tích cực. Mức định giá hiện tại cũng thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2018–2019, tạo dư địa cho sự phục hồi trung hạn.

Phân tích độ nhạy chỉ số VN Index dựa trên biến động P/E và kịch bản tăng trưởng lợi nhuận lũy kế 4 quý so với EPS 2025. (Nguồn: VDSC).