Ngày 9/4, ThS.BS.CKI Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Lài gãy liên mấu chuyển xương đùi trái, thường gặp ở người già, dễ dẫn đến biến chứng như huyết khối tĩnh mạch sâu, loét do tì đè, nhiễm trùng đường tiểu, viêm phổi do nằm lâu. Bà cần được phẫu thuật kết hợp xương để phục hồi chức năng.
Bà Lài bị suy kiệt cơ thể do mắc nhiều bệnh nền gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, suy tim (chức năng co bóp tim - EF còn 40%), suy thận giai đoạn cuối. Bà còn có dấu hiệu nhồi máu cơ tim điển hình như khó thở, đau thắt ngực trái, bị nhồi máu cơ tim cấp. Bác sĩ Ân đánh giá phẫu thuật gãy xương cho người cao tuổi có nhiều bệnh nền như bà Lài tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bệnh nhân có nguy cơ rối loạn nhịp, suy tim nặng hơn, ngưng tim, tử vong trong và sau mổ.
Bà mắc bệnh thận mạn giai đoạn 4, được theo dõi gần hai năm nay. Lần này, bà nhập viện sau chấn thương, bị nhồi máu cơ tim cấp, suy tim nên tình trạng suy thận cũng nặng lên, cần phải lọc thận điều trị. Cùng điều trị cho bà Lài, ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội Tim mạch 1, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lên phác đồ điều trị suy tim, lọc máu để cải thiện chức năng thận cho người bệnh, truyền máu và dinh dưỡng hỗ trợ. Sau hai tuần bà khỏe hơn, đủ điều kiện phẫu thuật.

Bác sĩ Kiều căn dặn bệnh nhân chế độ sinh hoạt, vận động sau khi xuất viện. Ảnh: Hạ Vũ
Êkíp đề xuất phương án rút ngắn tối đa thời gian mổ để giảm nguy cơ biến chứng. Trong vòng 30 phút, các bác sĩ tiến hành phương pháp kết hợp xương bằng đinh nội tủy PFNA (Proximal Femoral Nail Antirotation), một loại đinh thiết kế đặc biệt giúp tránh di lệch, đồng thời tăng nén ép ổ gãy nhằm kích thích lành xương tốt hơn. Đinh nội tủy PFNA có thiết kế phù hợp với các trường hợp loãng xương như bà Lài. "Chất lượng xương kém có thể ảnh hưởng đến độ bám của đinh nội tủy và tăng nguy cơ thất bại của ca mổ", bác sĩ Ân lý giải.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi sát, ngừa biến chứng huyết khối bằng thuốc chống đông, tiếp tục lọc máu cải thiện tình trạng thận. Kỹ thuật mổ xâm lấn tối thiểu, kích thước tổng của hai vết mổ chưa đến 5 cm, người bệnh giảm đau sau mổ, ít chảy máu, rút ngắn thời gian hồi phục.
Một tuần sau, bà hết khó thở, ăn uống tốt, được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động. Một tháng kể từ khi nhập viện, chức năng tim của bà ổn định. Sắp tới bà cần chạy thận định kỳ, tiếp tục điều trị nội khoa bệnh tim mạch. Dự kiến bà có thể đi lại chủ động sau ba tháng.
Có nhiều nguyên nhân khiến người lớn tuổi dễ bị gãy xương vùng bẹn hơn so với người trẻ. Trường hợp bà Lài bị loãng xương nặng làm giảm độ chắc khỏe của xương, cộng thêm bệnh cảnh suy thận giai đoạn cuối làm giảm hấp thu canxi, khiến bệnh loãng xương thêm nặng. Bên cạnh đó, ngã từ tư thế đứng, thường gặp ở người già, cũng làm tăng nguy cơ gãy xương vùng bẹn.
Bác sĩ Kiều khuyến cáo người lớn tuổi không nên chủ quan khi xuất hiện các triệu chứng liên quan đến bệnh tim, bệnh thận như mệt nhiều, khó thở, hụt hơi, chán ăn... Đi khám sớm giúp phát hiện bệnh từ giai đoạn đầu, có biện pháp điều trị kịp thời để kiểm soát tốt bệnh.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |