Cùng thời điểm, hai người thân của ông Cường là bà Lê Thị Hà Thành (mẹ) và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (em gái, đồng thời là Phó Chủ tịch DIC Group) cũng bị giải chấp lần lượt 3,15 triệu cổ phiếu và 1,7 triệu cổ phiếu. Tổng cộng, ba cổ đông này bị giải chấp 22,5 triệu cổ phiếu.
Giao dịch của ông Cường diễn ra trong hai ngày 10/4 và 11/4, trong khi cổ phiếu của bà Hà Thành và bà Thanh Huyền bị giải chấp vào ngày 10/4. Tính theo giá đóng cửa trong các phiên nói trên, giá trị giải chấp của gia đình Chủ tịch DIC Group ước tính lên tới khoảng 366 tỷ đồng.
Sau đợt bán giải chấp, tỷ lệ sở hữu tại DIC Group của ông Nguyễn Hùng Cường giảm xuống còn 10,7%. Bà Lê Thị Hà Thành và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền lần lượt còn nắm giữ 2,9% và 2,7% cổ phần.
Áp lực giải chấp tăng cao trong bối cảnh cổ phiếu DIG giảm sàn liên tiếp bốn phiên từ ngày 3 đến 9/4. Tuy nhiên, sang hai phiên 10 và 11/4, mã này hồi phục, tăng lần lượt 7% và hơn 4%.
Trước đó, một số công ty chứng khoán như Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) và Chứng khoán Vietcap đã phát đi thông báo về kế hoạch giải chấp cổ phiếu DIG của các cổ đông nêu trên.
Theo kế hoạch, ngày 18/4 tới, DIC Group sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 theo hình thức trực tuyến. Trong tài liệu họp vừa công bố, doanh nghiệp đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 với doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ dự kiến đạt 3.450 tỷ đồng, tăng 211% so với năm 2024. Doanh thu và thu nhập khác hợp nhất đặt mục tiêu 3.500 tỷ đồng, tăng 143%.
Về lợi nhuận, DIC Group đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ đạt 950 tỷ đồng, tăng 183%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 718 tỷ đồng, tăng 354%. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp trong vòng ba năm qua. Tỷ lệ cổ tức năm 2025 dự kiến ở mức 7-10%.

Diễn biến cổ phiếu DIG từ đầu năm đến 14/4. (Biểu đồ: TradingView).