Gemadept có ảnh hưởng, song cũng nhiều cơ hội
Công ty cổ phần Gemadept (Mã: GMD) mới có bản tin cập nhật về việc Mỹ công bố chính sách thuế quan mới, đưa ra những đánh giá ban đầu cũng như định hướng của công ty trong giai đoạn này.
Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Bình nhận định ban đầu rằng việc tăng thuế có thể dẫn đến các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm nguồn cung thay thế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng hiện tại của doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện Gemadept sở hữu hệ sinh thái cảng - logistics với chuỗi 6 cảng trên cả nước và mạng lưới logistics từ hàng không, phân phối hàng hóa, siêu trường siêu trọng đến vận tải thủy, logistics hàng lạnh, logistics ô tô.
"Mức độ tác động từ chính sách thuế quan mới đối với hàng hóa Việt Nam xuất đi Mỹ sẽ có khả năng tác động nhất định đến hoạt động công ty", CEO Gemadept cho biết.

CEO Gemadept nhận thấy chính sách thuế quan của Mỹ có tác động đến doanh nghiệp, song vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng và đầu tư mới. Ảnh: GMD.
Đối với cụm cảng Nam Đình Vũ, hàng hóa đi Mỹ chỉ chiếm dưới 10% trong tổng sản lượng. Cụm cảng này chủ yếu xuất hàng hóa phục vụ các thị trường Nội Á.
Đồng thời, công ty nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của giao thương Nội Á, được thúc đẩy hơn nữa do các quốc gia sẽ tìm kiếm thị trường thay thế và xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc hơn. Gemadept có kế hoạch nâng tổng công suất toàn cụm lên 2 triệu TEU vào cuối năm nay, từ mức 1,3 triệu hiện tại.
Đối với cảng nước sâu Gemalink, lượng hàng hóa đi Mỹ chiếm khoảng 32% trong năm 2024 và quý I/2025. Kể từ tháng 4, công ty thu hút thêm 4 tuyến dịch vụ mới đi châu Phi, châu Âu, Canada và Brazil nên giảm tỷ trọng hàng đi Mỹ về khoảng 20%.
Trái ngược với luông xuất khẩu, luồng hàng nhập khẩu từ Mỹ có thể không bị ảnh hưởng, thậm chí có tiềm năng tăng trưởng nhờ các chính sách chủ động giảm thuế của Việt Nam và tăng cường mua các mặt hàng chiến lược từ Mỹ.
Việt Nam cũng có nhu cầu cao về thiết bị năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, dược phẩm, máy móc công nghệ cao, nguyên liệu... Điều này tạo cho Gemadept cơ hội tăng sản lượng từ hàng nhập của Mỹ, tạo đà triển khai Gemalink giai đoạn 2 thời gian tới.
Việc Mỹ áp dụng thuế quan mới dẫn đến sự dịch chuyển đáng kể trong luồng hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là sự giao thương nội Á, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
CEO Nguyễn Thanh Bình đánh giá thị trường nội Á có sức mua lớn và có khả năng tiêu thụ các mặt hàng mà trước đây vốn xuất vào Mỹ. Việc tăng trưởng giao thương nội Á, kết hợp với tiêu thụ nội địa, đem đến nhiều cơ hội cho công ty.
"Gemadept đang chủ động trao đổi với các hãng tàu, khách hàng xuất nhập khẩu để đẩy nhanh các đơn hàng sớm; phối hợp với cơ quan ban ngành để bảo vệ các doanh nghiệp xuất khẩu; tiếp cận nhóm khách hàng ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ", theo ông Bình.
Hai công ty cá tra lên tiếng
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) cho biết ưu tiên của công ty vẫn là hợp tác chặt chẽ với khách hàng, nhà cung cấp và các bên liên quan để cùng vượt qua thách thức.
Dựa trên số liệu sơ bộ, sếp Vĩnh Hoàn ước tính thuế đối ứng nếu áp dụng có thể tác động tiêu cực làm giảm 15-30% lãi ròng. Tuy nhiên, vị thế có thể thay đổi và tác động thực tế có thể khác nhau tùy thuộc vào mức thuế quan và các yếu tố ngoài tầm kiểm soát.
Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Thủy sản Nam Việt (Navico - Mã: ANV) cho biết Mỹ thực tế không phải là thị trường trọng tâm. Các thị trường chính vẫn là Trung Quốc, Trung Đông, Brazil, châu Á, Mexico...

Chủ tịch Navico Doãn Tới muốn giải cứu cổ phiếu ANV khi đăng ký mua vào 3 triệu đơn vị từ ngày 9/4. Ảnh: ANV.
Dù vậy, ông Tới thừa nhận Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu tiềm năng của công ty ở hiện tại và tương lai, đặc biệt với hai sản phẩm chủ lực là cá tra và cá rô phi.
Navico sẽ đẩy mạnh mở rộng các thị trường hiện có, cắt giảm các chi phí không cần thiết nhằm hạ giá thành sản xuất xuống mức thấp nhất, tự động hoá các công đoạn sản xuất.
Theo số liệu từ Dragon Capital, doanh nghiệp đầu ngành Vĩnh Hoàn là đơn vị xuất khẩu cá tra hàng đầu vào Mỹ với tỷ trọng khoảng 31% năm ngoái, trong khi Navico cũng bắt đầu thâm nhập với khoảng 6% doanh thu.
HAGL, Masan nói không ảnh hưởng
Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) Đoàn Nguyên Đức cũng mới lên tiếng trấn an cổ đông khi khẳng định chính sách thuế từ Mỹ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu chính của công ty.
"Mặt hàng chuối của công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; theo đó công ty hoàn toàn không xuất khẩu hàng hóa qua thị trường Mỹ", theo bầu Đức.
Đối với hàng hóa xuất khẩu đi Hàn Quốc và Nhật Bản, giá xuất khẩu được chốt ổn định theo năm.
Đối với chuối xuất khẩu đi Trung Quốc, giá xuất khẩu được chốt bán theo tuần, đặc biệt giá xuất khẩu của tuần này công ty đã chốt hơn 12 USD/thùng, cao hơn tuần trước 10%.
Ngoài ra, việc tỷ giá USD liên tục tăng cao trong thời gian vừa qua cũng mang lại kết quả tích cực đối với doanh thu xuất khẩu của công ty khi phần lớn chi phí đầu vào đều bằng tiền Việt Nam đồng (VND).

Chuối của HAGL không xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: HAG.
Lãnh đạo Masan Group (Mã: MSN) nhận định bất ổn thương mại toàn cầu sẽ có tác động rất hạn chế đến hoạt động kinh doanh và triển vọng của họ.
Tập đoàn này dẫn số liệu thị trường Mỹ đóng góp chưa đến 1% vào doanh thu của Masan Consumer. Các sản phẩm chủ lực của Masan High-Tech Materials hiện được miễn trừ khỏi các biện pháp thuế quan đã công bố.
Giá các mặt hàng thiết yếu tại WinCommerce vẫn duy trì tính cạnh tranh so với tất cà các kênh khác trên thị trường.
Hơn nữa, Việt Nam đã để nghị mức thuế 0% đối với Mỹ. Điều này giúp giảm chi phí nguyên vật liệu cho ngành thực phẩm tiện lợi và thịt, cũng như giúp giảm chi phí sản xuất.
Masan Group nhấn mạnh họ là doanh nghiệp tiêu dùng - bán lẻ, chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu. Theo Masan, mô hình kinh doanh này giúp tập đoàn “ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các chính sách thuế quan mới của Mỹ”.