Phát biểu tại hội nghị về triển khai đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội ngày 19/5, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết hiện chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng.
Đây là gói hỗ trợ cho vay với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại trên thị trường. Gói tín dụng được triển khai từ 1/4 và kết thúc muộn nhất là 31/12/2030.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết khó giải ngân gói tín dụng là vì nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế. Thực tế, trong Đề án xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội đã nêu rõ, vì các vướng mắc trong chọn chủ đầu tư, quỹ đất, định giá bán; các ưu đãi khuyến khích cho loại hình nhà này chưa đủ thu hút, khiến nguồn cung nhà đang eo hẹp.
Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng về xác định dự án, các trường hợp, điều kiện, tiêu chí vay.
Bên cạnh đó, cơ quan này nhìn nhận quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội có nhiều bất cập. Đơn cử, điều kiện về cư trú hay việc thu nhập cá nhân thuộc diện không phải đóng thuế không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao.
"Những khó khăn, vướng mắc này cũng sẽ là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng", ông Bắc nói.
Theo ông, để chương trình cho vay này thực sự đi vào đời sống, các bộ, ngành cần sửa đổi các vướng mắc pháp lý, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, giúp tăng nguồn cung phân khúc này. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung bố trí quỹ đất, sớm công bố danh mục các dự án để những đối tượng thụ hưởng có thể tiếp cận vốn vay.
Bộ Trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng nhìn nhận một số bất cập về nhà ở xã hội. Ông cho rằng để đạt được ít nhất một triệu căn nhà loại này, cần khắc phục về quy hoạch bố trí đất, có chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương trong từng giai đoạn; có cơ chế huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Nói thêm, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết hầu hết dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuộc đối tượng vay vốn của gói 120.000 tỷ đồng đang trong giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp phép. Hiện có 87 dự án đã được cấp phép xây dựng, sẵn sàng nhận vốn vay tới đây.
Về danh mục dự án, các trường hợp được vay vốn, tại họp báo thường kỳ quý I, ông Sinh cho biết Bộ đã đề xuất với Thủ tướng, xin uỷ quyền cho địa phương để giúp giải ngân gói này nhanh hơn. Theo đó, các địa phương sẽ xác lập, phê duyệt danh sách các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn có đủ kiều kiện vay vốn từ gói 120.000 tỷ đồng. Các ngân hàng sẽ căn cứ vào danh mục này để giải ngân cho doanh nghiệp, người mua nhà.