Công nghệ

Chiêu lừa qua tin nhắn "mẹ ơi"

Tóm tắt:
  • Nhiều phụ huynh bị lừa đảo qua tin nhắn giả danh con cái, gây thiệt hại tài chính.
  • Kẻ lừa đảo sử dụng kịch bản cấp bách, làm cho nạn nhân lo lắng và chuyển tiền nhanh chóng.
  • Lừa đảo qua tin nhắn đã gây thiệt hại 470 triệu USD cho người dân Mỹ trong năm 2024.
  • Công nghệ AI giúp tạo nội dung thuyết phục và cá nhân hóa các trò lừa đảo.
  • Khuyến cáo bình tĩnh và xác minh thông tin khi nhận tin nhắn có vẻ khẩn cấp từ người thân.

Theo Guardian, lừa đảo qua tin nhắn đang bùng phát trở lại. Kịch bản đơn giản nhưng đánh trúng tâm lý cấp bách khiến nạn nhân mất bình tĩnh, dễ bị thao túng và mắc lừa.

"Mẹ ơi", tin nhắn đầu tiên kẻ lừa đảo thường gửi. "Con bị mất điện thoại rồi".

Nội dung sau đó mô tả tình huống cấp bách, như bị tai nạn, mất tư trang, không có tiền về nhà, đồng thời gửi số tài khoản, nói của bạn cho mượn điện thoại hoặc của người đi đường "tốt bụng" giúp đỡ. Ngôn từ gấp gáp khiến người nhận lo lắng, không đủ bình tĩnh để phân tích và nhanh chóng chuyển tiền cho kẻ lừa đảo.

"Các vụ lừa dạng này phát triển với tốc độ chóng mặt và có tỷ lệ thành công cao hơn bao giờ hết nhờ AI", Chris Ainsley, Giám đốc phụ trách quản lý rủi ro gian lận của ngân hàng Santander, nói với Guardian. "Công nghệ giả giọng AI được khai thác để tạo nội dung thoại WhatsApp và SMS, khiến trò lừa trở nên thuyết phục, khó bị phát hiện".

Một người phụ nữ ở Singapore đang sử dụng điện thoại. Ảnh: Straittimes

Ảnh: Commonwealth Media Services

Bên cạnh đó, kịch bản "vô tình hỏi thăm" để kết thân cũng nở rộ. Theo CNBC, kẻ gian thường nhắn tin như thể họ là "Emily ở phòng tập thể dục" hoặc "Daniel ở câu lạc bộ du thuyền". Theo phản xạ, người nhận sẽ báo "nhầm số", nhưng đây có thể khởi đầu cho một vụ lừa đảo. Thay vì ngừng lại, người lạ vẫn tiếp tục kiên trì gửi tin nhắn bắt chuyện.

Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, tính riêng năm 2024, lừa đảo qua tin nhắn văn bản gây thiệt hại cho người dân Mỹ 470 triệu USD, gấp năm lần so với năm 2020. Số liệu do công ty an ninh mạng McAfee công bố cuối tháng 4 cho thấy có 25% người Mỹ nhận được tin nhắn dạng này.

Steve Grobman, Giám đốc công nghệ McAfee, cho biết những câu bắt chuyện bâng quơ có thể là khởi đầu cho trò lừa đảo tình cảm "mổ lợn" (Pig Butchering), tức kẻ xấu "vỗ béo" nạn nhân về mặt tình cảm trước khi dụ dỗ họ đầu tư tiền bạc, sau đó chiếm đoạt số tiền và biến mất.

"Sau bước làm quen đầu tiên thành công, chúng sẽ cố gắng xây dựng mối quan hệ. Quá trình này diễn ra chậm. Chúng chăm chút nạn nhân, dần dần chiếm lòng tin rồi thúc đẩy họ sang các bước tiếp theo", Grobman nói.

Malka Shaw, nhà trị liệu tâm lý tự do tại New Jersey, cho rằng AI đang làm cho những trò lừa vốn tốn thời gian và công sức như "mổ lợn" trở nên hiệu quả và dễ hơn. "AI có thể giúp tội phạm tập trung vào từng cá nhân, quét hồ sơ mạng xã hội để tìm người có vẻ cô đơn, sau đó kết nối bằng tin nhắn.

Eder Ribeiro, Giám đốc bộ phận ứng phó sự cố toàn cầu tại TransUnion, khuyến cáo: "Dữ liệu là tiền. Chúng có thể khai thác thông tin từng người, sau đó dùng để xây dựng kịch bản tống tiền, lừa đảo hoặc tổng hợp làm dữ liệu bán trên dark web".

Theo Ainsley của ngân hàng Santander, khi nhận tin nhắn "có vẻ cấp bách", việc đầu tiên là bình tĩnh, kiểm tra xem người thân hoặc người quen có thực sự đang gặp vấn đề hay không bằng cách gọi tới số điện thoại hoặc qua một mạng xã hội khác, nhắc đến những nội dung chỉ hai người biết với nhau.

tổng hợp

Các tin khác

Tạm đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrolimex

Bộ Tài chính vừa ra quyết định về việc tạm đình chỉ chức vụ người đại diện phần vốn nhà nước tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đối với ông Đào Nam Hải - thành viên Hội đồng quản trị, tổng giám đốc. Thời gian đình chỉ đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Các phương pháp điều trị xơ phổi

Người bệnh mắc xơ phổi có thể được điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu hô hấp, phương án cuối cùng là ghép phổi.