Kinh tế đã đi qua hai tháng đầu năm với điểm nổi bật nhất là đầu tư công tăng tốc trong tháng 2. Hoạt động sản xuất phục hồi trở lại với Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng lên 51,2 điểm trong tháng 2, chấm dứt chuỗi ba tháng liên tiếp đạt ngưỡng dưới 50 điểm, báo hiệu khả năng phục hồi sản xuất trong những tháng tới. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 2 cũng đã tăng 3,6% so với cùng kỳ (tăng 5,1% so với tháng trước) từ mức nền thấp do kỳ nghỉ Tết rơi vào tháng 2 năm ngoái.
Lạm phát của Việt Nam đã giảm xuống 4,3% so với cùng kỳ trong tháng 2 từ mức 4,9% trong tháng 1. Ngoài ra, áp lực tỷ giá hạ nhiệt do chỉ số DXY giảm sau sự sụp đổ của SVB.
Ngoài ra, điểm nhấn đáng chú ý nữa đến từ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm loạt lãi suất điều hành 0,5 - 1 điểm %, áp dụng kể từ ngày 15/3. Lần điều chỉnh lãi suất điều hành này không áp dụng với trần lãi suất huy động. Động thái này được các chuyên gia nhận định Việt Nam sẽ sớm bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ.
Chỉ số vĩ mô quý I sẽ vẫn tiêu cực
Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup dự báo quý I và quý II năm nay, chỉ số vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khá tiêu cực do đây là giai đoạn thẩm thấu của đợt tăng lãi suất năm ngoái, quý III và quý IV sẽ là một bức tranh tươi sáng hơn.
Ông nhắc lại bài toán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện tại không phải là tỷ giá mà là hạ lãi suất thị trường 1 và vấn đề trái phiếu. Các giải pháp cho hai vấn đề này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng luôn có độ trễ.
"Có thể cuối quý II, đầu quý III, các chính sách, giải pháp mới bắt đầu thẩm thấu và hỗ trợ sự đi lên của nền kinh tế", ông nói.
Trong khi đó, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán VNDirect dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% trong quý đầu tiên của năm 2023, thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng 5,9% trong quý IV/2022. Khối phân tích cũng kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ tăng tốc dần trong các quý còn lại của năm 2023.
Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) cũng mới đưa ra dự báo tăng trưởng quý I, thận trọng hơn dự báo của VNDirect, theo đó cho rằng kinh tế sẽ đạt mức tăng khoảng 4,8% với sự suy giảm sản xuất do xuất khẩu sụt giảm trong khi các dịch vụ phục vụ trực tiếp vẫn được hỗ trợ bởi doanh thu bán lẻ ổn định và lượng khách du lịch phục hồi.
Ngành dịch vụ dự báo tăng trưởng cao
Dự báo về ba lĩnh vực chính, VNDirect cho rằng ngành dịch vụ được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong quý I nhờ du lịch phục hồi mạnh mẽ. Lưu ý rằng quý đầu tiên của năm ngoái vẫn là mùa du lịch thấp điểm khi Việt Nam mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022.
Các chuyên gia tại đây dự báo ngành dịch vụ sẽ tăng trưởng ở mức 7,9% trong quý I, thấp hơn một chút so với mức cao đột biến là 8,1% trong quý IV/2022. Tuy nhiên, vẫn là sự cải thiện mạnh mẽ so với mức tăng 4,6% trong quý I năm ngoái.
Ngành công nghiệp và xây dựng dự báo chỉ tăng 3,7% trong quý I, giảm từ mức 4,2% trong quý IV/2022 và 6,4% trong quý I/2022, do đơn hàng sản xuất của Việt Nam giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc sẽ có tác động tiêu cực đến ngành này. Trong khi đó ngành nông lâm nghiệp và thủy sản kỳ vọng sẽ tăng trưởng 3,1% trong quý I.
Hút vốn FDI của Việt Nam gặp nhiều bất lợi
Một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế là thu hút FDI vài tháng trở lại đây không có nhiều tín hiệu tích cực.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký đạt 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ. Mức giảm chủ yếu do vốn đăng ký tăng thêm giảm tới hơn 85% so với cùng kỳ, trong khi vốn FDI đăng ký cấp mới tăng 179%. Vốn FDI thực hiện cũng giảm 4,85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho rằng có thể nhìn rõ FDI đang có xu hướng giảm. Theo ông, dư địa FDI đăng ký mới không còn nhiều bởi tình hình thế giới vẫn biến động, kinh tế nhiều nước vẫn đang đi xuống, hơn nữa các tập đoàn lớn cũng đã đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, nút thắt về hạ tầng cũng là vấn đề cản trở FDI tăng mạnh. Vì thế ông cho rằng không có nhiều động lực để thúc đẩy FDI đăng ký mới tiếp tục tăng, mà chỉ kỳ vọng vào FDI giải ngân, các doanh nghiệp FDI tăng quy mô đầu tư vào Việt Nam.
Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) duy trì quan điểm cho rằng việc thu hút vốn FDI của Việt Nam trong năm 2023 gặp nhiều bất lợi trong bối cảnh lãi suất cao, môi trường tài chính thế giới thắt chặt, và triển vọng tăng trưởng kinh tế nhiều quốc gia lớn gặp khó khăn.
Xuất khẩu tăng trở lại là do yếu tố mùa vụ
Một lĩnh vực quan trọng khác là xuất khẩu đang được theo dõi sát sao thời gian gần đây. Tháng 2 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng trở lại 11% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu ước đạt 23,58 tỷ USD, giảm 6,7%. Điểm tích cực là cán cân thương mại theo tháng tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, ở mức 2,3 tỷ USD trong tháng 2.
Tuy nhiên, dù ghi nhận tăng trưởng trở lại trong tháng 2, nhưng lũy kế 2 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang thấp hơn so với cùng kỳ, giảm 10,4% so với cùng kỳ.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử máy tính, máy móc thiết bị, dệt may, giày dép, gỗ, thủy sản vẫn đang giảm so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá chung về xuất khẩu, BVSC cho rằng diễn biến tăng trở lại theo tháng và so với cùng kỳ trong tháng 2 này phần lớn mang tính chất mùa vụ. Ngoài ra, quý đầu năm thường là thời điểm các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu để chuẩn bị cho sản xuất và các đơn hàng xuất khẩu trong năm, việc nhập khẩu vẫn đang giảm mạnh cũng cho thấy triển vọng xuất khẩu vẫn chưa quá khả quan.
Các chuyên gia tại đây nhấn mạnh xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh môi trường tài chính thắt chặt, lãi suất cao, triển vọng tăng trưởng kinh tế kém tích cực và lạm phát cao ở các đối tác xuất khẩu chính – Mỹ và EU. Đây là những yếu tố có tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.