Công nghệ

Internet Việt Nam tăng hạng dù đứt cáp

Theo bảng xếp hạng Speedtest Global Index vừa được Ookla công bố, tốc độ Internet tại Việt Nam có sự thay đổi mạnh. Mạng băng rộng cố định đạt tốc độ tải xuống 91,6 Mbps, tăng gần 9% so với mức 84,18 Mbps của tháng trước đó, thậm chí là tốc độ cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, mạng di động giảm từ 46,66 Mbps trong tháng 1 xuống 42,67 trong tháng 2.

Kết quả này đưa tốc độ Internet băng rộng cố định tại Việt Nam tăng sáu bậc, đứng thứ 39, còn mạng di động giảm 9 bậc, xếp ở vị trí thứ 52 trên toàn cầu.

Xu hướng này trùng với thống kê do công cụ i-Speed của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC). Theo thống kê của i-Speed từ tháng 1 đến tháng 2, tốc độ tải xuống của mạng di động giảm từ 40,82 Mbps xuống 36,45 Mbps, trong khi mạng cố định tăng từ 85,8 Mpbs lên 89,73 Mbps.

Tuy nhiên, kết quả trên ngược với đánh giá thực tế của người dùng Internet Việt Nam. Hai tháng đầu năm là giai đoạn chứng kiến năm tuyến cáp quang biển kết nối Việt Nam ra thế giới gặp sự cố. Khảo sát của VnExpress từ ngày 30/1 cho thấy, 95% trong số 15.000 người tham gia cảm thấy Internet chậm hơn, chỉ 1% cho là nhanh hơn. Trong khi đó, các nhà mạng chiếm thị phần lớn như Viettel, VNPT cũng khẳng định họ ưu tiên lưu lượng đường truyền cho Internet di động.

Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông lý giải sự trái ngược trong chỉ số là do điểm đo của các công cụ khác với đích đến của các dịch vụ Internet. Thống kê cho thấy 80% nội dung người dùng trong nước truy cập là dịch vụ của Google, Facebook, Netfix... Khi cáp quang biển gặp vấn đề, đường truyền từ Việt Nam tới máy chủ của các dịch vụ này tại Singapore, Hong Kong bị ảnh hưởng, khiến người dùng gặp khó khi truy cập.

"Sự cố đứt cáp quang biển chỉ ảnh hưởng đến kết nối Việt Nam đi quốc tế. Còn công cụ đo tốc độ thường chọn điểm đo trong nước nên không bị ảnh hưởng", chuyên gia này cho biết. Ví dụ, website của công cụ i-Speed nêu rõ máy chủ đo tốc độ được đặt tại các điểm thuộc Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) và tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP), nhà mạng lớn trên cả nước.

Với dịch vụ quốc tế như Speedtest của Ookla, khi tiến hành đo, công cụ cũng tự động chọn một điểm đo trong nước. Trả lời VnExpress, đại diện Ookla khẳng định: "Kết quả Speedtest Global Index dựa trên những thử nghiệm do người tiêu dùng thực hiện, tuân theo cùng một phương pháp nghiêm ngặt và được áp dụng trên tất cả nội dung và sản phẩm của công ty".

Speedtest tự động chọn điểm đo là một máy chủ trong nước, gần địa điểm người dùng. Ảnh: Lưu Quý

Speedtest tự động chọn điểm đo là một máy chủ trong nước, gần địa điểm người dùng. Ảnh: Lưu Quý

Theo công bố của Ookla, Speedtest sử dụng cơ sở hạ tầng với hơn 10.000 máy chủ tại hơn 190 quốc gia. "Điều này đảm bảo người dùng luôn có thể đo với máy chủ cục bộ bất kể họ ở đâu, đồng thời có cái nhìn chính xác về hiệu suất mạng mà không yêu cầu 'quá cảnh' ra quốc tế để thực hiện kiểm tra", website của công cụ này nêu.

Trong tháng 2, tốc độ Internet cố định trung bình toàn cầu là 78,62 Mbps, dẫn đầu là Singapore với chỉ số 237 Mbps, còn Thái Lan cũng đứng thứ sáu với 203 Mbps. Trong khi đó, tốc độ Internet di động trung bình là 39,77 Mbps với quốc gia có kết nối nhanh nhất là UAE đạt 179,61 Mbps.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm