Hoàng Văn Cương, 27 tuổi, là người thôn Lập Phương, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên. Thời còn là sinh viên trường Nông lâm Bắc Giang anh được chọn giúp việc cho dự án trồng nho Hạ đen, giống nho sinh trưởng khỏe, thịt quả giòn, có mùi thơm dịu và đặc biệt không có hạt, do Đại học Nam Ninh (Trung Quốc) chuyển giao tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Cương không hứng thú với loại cây mới này và cũng không có ý định "bán mặt cho đất" sau khi ra trường. Anh nuôi mơ ước làm việc văn phòng trong những công ty lớn. "Cho con trai làm nông không bao giờ nằm trong kế hoạch của mẹ tôi. Bà cả đời vất vả để con cái học cao hơn", Cương nói.
Trở thành nhân viên một công ty phân bón lá, thuốc bảo vệ thực vật ở Bắc Giang những tưởng cuộc đời anh sẽ đi theo đúng lộ trình đã vạch ra. Nhưng một lần vô tình mua phải chùm nho Hạ đen, thấy quả chua, vỏ dày, ăn xong ngứa cổ, lại không có màu tím đẹp, những kiến thức hồi làm giúp việc cho chuyên gia Trung Quốc bỗng nhiên trỗi dậy. Cương đặt câu hỏi "Tại sao họ làm được mà người Việt lại không?".
Đó là tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, công việc của anh bắt đầu bấp bênh.
"Hay mình trồng thử loại nho này, dù sao anh cũng có chút kinh nghiệm", Cương nói với vợ. Được ủng hộ, anh vay thêm 20 triệu đồng cùng 10 triệu tiền vốn, mượn một sào đất của bố vợ ở Hữu Lũng, Lạng Sơn bắt đầu thử nghiệm với hơn trăm gốc nho Hạ đen. Thời điểm đó Cương vẫn đi làm ở Bắc Giang, cuối tuần tranh thủ về Lạng Sơn chăm sóc vườn.
Thất bại đầu tiên ập đến. Đầu tháng 4/2020, nho đồng loạt thối rễ do bón phân chuồng chưa hoai mục. Đang ở công ty, Cương lập tức xin nghỉ cả tuần, một mình đào hết số phân đã được chôn xuống đất, quyết cứu cây. Sau khi phân được làm sạch, rễ dần hồi phục lại xuất hiện bọ trĩ. Từ kiến thức lượm lặt trên mạng, anh phun thuốc trị bệnh nhưng vài tiếng sau lá nho xoăn hết lại.
"Tôi gần như không ngủ nổi vì cứ nằm xuống lại nghĩ đến chuyện nho chết", Cương nhớ lại. Nửa đêm tỉnh dậy, anh lại lên mạng, lùng sục cách khắc phục nho xoăn lá. Khi tìm ra phương pháp phun nước kèm rong biển, 90% số nho hồi phục.
Cứu được cây nhưng tốc độ phát triển khá chậm. Khi gốc nho đầu tiên ra hoa, anh vỡ òa sung sướng. Cương chôn chân ở ngoài vườn, hết tưới nước, tỉa cành rồi theo dõi sâu bệnh. Từng chiếc lá, chùm quả được lật lên hàng ngày để thăm khám, đánh giá hiện trạng rồi kê thuốc thích hợp. Nhiều hôm về nhà lúc tối muộn, không kịp thay quần áo, anh buông mình xuống giường ngủ một mạch.
Sự kiên trì được đền đáp. Sau ba tháng, những quả nho tím mọng, tròn căng, vị ngọt đậm được thu hoạch. Với 200 kg mùa đầu tiên, Cương thu về 30 triệu đồng.
"Nho chết đi sống lại mà vẫn không lỗ, nếu chuyên tâm chắc chắn sẽ thành công", Cương tự nhủ rồi xin nghỉ việc về quê chính thức khởi nghiệp.
Nghe tin con về quê trồng nho, bà Nguyễn Thị Xuyên (mẹ Cương) phản đối gay gắt. Bà bảo, người ta thoát nông chẳng được giờ lại cắm mặt vào phân gio, đúng là dở người. Mỗi khi con trai nhắc đến nho, bà đứng dậy lẳng lặng bỏ đi chỗ khác.
Mẹ không đồng ý nhưng Cương lại được sự ủng hộ của vợ. Anh vay tiền thuê 30 sào đất cách nhà 2 km, trồng 900 gốc nho và dưa lê Hàn Quốc cùng một số rau củ khác để lấy ngắn nuôi dài.
Nhưng giàn vừa kéo xong, hàng rào chưa kịp làm, 100 gốc nho vừa trồng xuống bị trộm lấy mất. Thất thần nhìn những chiếc hố trống hoác, Cương chỉ biết ôm đầu bất lực.
Nhưng đó chưa phải khó khăn duy nhất. Tháng 4/2021, thấy cỏ gấu lên nhiều, anh sử dụng thuốc diệt cỏ. Bơm xong hôm trước, hôm sau gặp mưa, thuốc ngấm xuống đất, toàn bộ những gốc nho còn lại thối rễ, chết như ngả rạ. Nguy cơ mất sạch vốn hiển hiện trước mắt.
May mắn lúc đó Cương có chút tiền bán dưa lê. Anh tiếp tục vay mượn thêm mua cây giống làm lại một lần nữa.
Rút kinh nghiệm cây chết vì sử dụng thuốc không đúng cách, lần này anh chia cây trồng thành các khoảnh nhỏ. Mỗi ô sử dụng một loại phân vi sinh và thuốc phòng chống sâu bệnh khác nhau để tìm ra loại thích hợp nhất với nho Hạ đen. Hệ thống phun nước tự động cũng được lắp đặt sau khi tính được lượng nước bơm lên vừa đủ cho cây và thời điểm thích hợp. Anh quanh quẩn cả ngày ngoài vườn, quan sát và ghi chép, nhiều khi quên cả ăn.
900 gốc nho trồng mới, vụ đầu được 300 kg, thương lái mua sạch. "Xây dựng quy trình chăm sóc sau nhiều lần thất bại, tôi hoàn toàn tin tưởng vụ sau sẽ thắng lợi", Cương hồi tưởng.
Nhưng cái "hạn tháng 4" lại ập đến. Vụ năm ngoái, nho đậu quả chi chít, dự trù lên tới ba tấn thì mưa lớn, toàn bộ cây ngập gốc gây nấm bệnh, quả rụng lả tả. Tiền sắp về túi lại mất trắng.
Cương bỏ ăn bỏ ngủ, lang thang trong vườn, một tuần sụt mất 6 kg. "Ngã ở đâu, đứng lên ở đấy", vợ anh động viên. Cũng không thể bỏ gần nghìn gốc nho đang nẩy mầm sau khi nước rút, anh tự nhủ: "Mỗi ngày cố gắng thêm một chút, tương lai sẽ thay đổi".
Vào vụ thứ hai năm 2022, Cương khắc phục việc ngập úng mỗi khi mưa lớn bằng cách đánh luống cao và làm lại hệ thống thoát nước cho ruộng. Với 1,2 tấn quả thu được, cùng việc chuyển giao kỹ thuật cho 9 nhà vườn với diện tích lên tới 7 hecta tại một số tỉnh phía Bắc, tiền lãi cũng trả gần hết nợ. Đầu năm 2023, thời tiết thuận lợi, ở vụ này, anh tính sẽ thu được ba tấn quả, doanh thu đạt 300 triệu đồng.
Là người giới thiệu Cương vào danh sách Gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô năm 2022, ông Lê Tiến Xuân, trưởng phòng kinh tế huyện Phú Xuyên nhận xét, đây là một thanh niên quyết liệt, dám dấn thân làm việc khó. "Về quê làm nông nghiệp rất vất vả lại là một người trẻ nên đáng trân trọng", ông Xuân nói.
Ba năm nay, cây nho Hạ đen đã giữ chân Cương ở lại quê hương. Anh hy vọng mô hình trồng nho sẽ được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành để chứng minh khát vọng "Người ta làm được, người Việt cũng làm được".
Tháng 4 này, Hoàng Văn Cương sẽ được nhận bằng khen trong lễ vinh danh 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của thủ đô. Anh hy vọng điều đó sẽ xóa đi cái "dớp" cứ tháng 4 là thất bại.
Đến giờ mỗi ngày nhìn con trai chân tay lấm lem bùn đất, bà Xuyên không còn hỏi bao giờ vào cơ quan nhà nước làm cán bộ nữa. Từ chỗ phản đối, bà đã chủ động tưới nước, bón phân cho nho mỗi khi Cương vắng nhà.
"Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Cương cố gắng như vậy, tôi tin một ngày con sẽ thành công", người mẹ nói.