Phong cách sống

Món hàng cũ này đang có tốc độ tăng giá nhanh hơn cả cổ phiếu: Đạt ngưỡng 20%/năm nhưng có thực sự nên "rót tiền" vào

Theo báo cáo của Boston Consulting Group Inc. và công ty bán đồng hồ hàng đầu thế giới đã qua sử dụng WatchBox, giá của các thương hiệu như đồng hồ Rolex, Patek Philippe và Audemars Piguet đã tăng 20% ​​mỗi năm kể từ năm 2018. Con số này vượt xa cả chỉ số S&P 500 (chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Mỹ), do giá trị của những chiếc đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng tăng mạnh.

Chỉ số S&P 500 đạt lợi nhuận trung bình hàng năm là 8% từ tháng 8/2018 đến tháng 1/2023. Trong khi đó các mẫu đồng hồ đã qua sử dụng đến từ những thương hiệu hàng đầu của Thuỵ Sĩ đạt tốc độ tăng trưởng gấp 2 lần.

Kết quả này còn chưa tính đến việc giá thành của một số thiết kế đã qua sử dụng, bao gồm Rolex Daytonas, Patek Philippe Nautiluses và Audemars Piguets Royal Oaks giảm tới 1/3 kể từ khi thị trường đạt đỉnh vào quý đầu của năm 2022.

Đầu tư đồng hồ hay cổ phiếu?

Giá của nhóm đồng hồ đến từ Thuỵ Sĩ bao gồm FP Journe, H. Moser & Cie và De Bethune đã tăng 15% so với cùng kỳ. Báo cáo của Watch Box cho rằng đồng hồ xa xỉ như một loại tài sản thay thế cho cổ phiếu, trái phiếu, tác phẩm nghệ thuật.

Song theo SCMP, trong một thời gian dài, cổ phiếu là kênh đầu tư an toàn hơn so với đồng hồ. Bởi S&P 500 có tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 12% từ năm 2021-2022. Trong khi đó, đồng hồ Rolex, Patek và AP đạt trung bình 7%.

Món hàng cũ này đang có tốc độ tăng giá nhanh hơn cả cổ phiếu: Đạt ngưỡng 20%/năm nhưng có thực sự nên rót tiền vào - Ảnh 1.

Thời của đồng hồ cũ đang lên

Giá của đồng hồ trên thị trường thứ cấp tăng nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch. Bởi những người tiêu dùng thuộc thế hệ Millennial và gen Z - người rủng rỉnh tiền mặt và mắc kẹt tại nhà đã phát hiện ra một sở thích mới đắt tiền là sưu tập đồng hồ đã qua sử dụng đến từ Thuỵ Sĩ. Khoảng 30% thanh thiếu niên có thu nhập cao đã ghé thăm thị trường đồ cũ vào cuối năm 2020.

Theo báo cáo của sàn thương mại trực tuyến lớn nhất thế giới về đồ sang trọng, The RealReal, thị trường bán lại hàng xa xỉ đang có mức tăng trưởng kỷ lục.

Khoảng 40% người mua của trang này đã lựa chọn hàng xa xỉ cũ để thay thế cho thời trang nhanh. Ngoài ra, tính bền vững và sự chán ghét đối với thời trang nhanh là động lực chính cho xu hướng mua - bán lại đồ xa xỉ.

Sarah Willersdorf, giám đốc điều hành và đối tác tại BCG ở New York cho biết: "Giá trị và tính minh bạch là động lực của thị trường thứ cấp. Chúng đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chuyển đổi thành tiền của sản phẩm trên thị trường này".

Thêm nữa, hơn 60% giao dịch đồng hồ cũ được diễn ra theo hình thức trực tuyến. Trong khi đó các giao dịch mua mới chỉ đạt 15%. Bên cạnh việc nam giới vẫn chiếm đa số người mua thì số lượng các nhà sưu tập nữ và người trẻ đang tăng lên nhanh chóng.

Thị trường đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng sôi động

Vào năm 2022, thị trường đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng đạt 24 tỷ USD. Theo báo cáo của BCG, thị trường đồng hồ đã qua sử dụng dự kiến sẽ tăng 9%/năm và đạt 25% tỷ USD vào năm 2026 khi giá cả tăng và nhiều người bắt đầu sưu tập đồng hồ hơn. Theo CNA Luxury, giá đồng hồ cũ không chỉ tăng hàng ngày mà còn tăng theo cấp số nhân.

Gần đây, LuxeConsult, một công ty tư vấn và phân tích độc lập của Thuỵ Sĩ dự đoán rằng doanh số bán đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng sẽ vượt qua thị trường bán lẻ sơ cấp vào năm 2033 với doanh thu chạm mức 85 tỷ USD.

Giá bán lẻ được khuyến nghị của mẫu Rolex Cosmograph Daytona Ref. 116500LN là hơn 14.000 USD. Song trên thị trường đồng hồ sang trọng Chrono24, phiên bản đã qua sử dụng của mẫu đó có giá tối thiểu khoảng 38.000 USD.

Món hàng cũ này đang có tốc độ tăng giá nhanh hơn cả cổ phiếu: Đạt ngưỡng 20%/năm nhưng có thực sự nên rót tiền vào - Ảnh 2.

Giám đốc điều hành của Audemars Piguet - Francois-Henry Bennahmias - nói trong một cuộc phỏng vấn: "Chúng tôi có thể bán được 2.500, hay 3.000 mẫu Royal Oak Jumbo Extra-Thin trong một năm. Nhưng chúng tôi chỉ làm 900 chiếc. Nếu ngày mai chúng tôi sản xuất 3.000 chiếc, không ai muốn mua nữa. Đó là cách thị trường vận hành".

Ngoài ra, Yahoo Finance cho biết Rolex có thể không tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu. Nhà sản xuất cố gắng tạo ra giá trị lâu dài cho khách hàng, thay vì sản phẩm tràn ngập thị trường làm giảm giá trị của đồng hồ.

Dù thường được mệnh danh là “thị trường xám” (grey market) - hoạt động trao đổi buôn bán hàng hoá một cách hợp pháp nhưng không chính thức, ngành đồng hồ xa xỉ đang dần được củng cố hơn vào tháng 12/2022. Nguyên nhân là Rolex SA, tập đoàn đồng hồ Thụy Sĩ danh tiếng, quyết định tiếp nhận đồng hồ cũ để bán lại thông qua mạng lưới đại lý ủy quyền của mình.

Tổng hợp 


Cùng chuyên mục

Đọc thêm