Doanh nghiệp

Chủ tịch Vietravel đề nghị gỡ khó cho hàng không: "Nếu như không bay thì chữ du mất rồi, chúng ta còn mỗi chữ lịch"

Tháng trước, tại lễ khai trương đường bay TP. HCM – Bangkok, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên cho biết hãng hàng không này “như con chim mà sau dịch Covid-19 chả còn cọng lông nào”. Ra mắt ngay khi đại dịch bùng phát mạnh, Vietravel Airlines tiếp tục phải tìm cách vượt khó giữa suy thoái kinh tế.

Trong hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, một trong những ý kiến được Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đưa ra là đề nghị Thủ tướng nếu được thì tổ chức cuộc họp riêng về hàng không.

Theo Chủ tịch Vietravel, nếu du lịch không phát triển thì hàng không thua lỗ. " Nếu như không bay, thì chữ du mất rồi, chúng ta còn mỗi chữ lịch ", ông phát biểu.

Cùng tham gia hội nghị, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cũng cho biết hàng không và du lịch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Hàng không tạo kết nối giao thông giữa các quốc gia, chắc chắn cần khách du lịch trên các chuyến bay.

Trong giai đoạn hậu Covid-19, hàng không châu Á được đánh giá là vùng trũng, tốc độ tăng trưởng chậm nhất so với các khu vực trên thế giới và thua lỗ.

Với hàng không Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2023, vận tải hàng không nội địa tăng 12,5% so với năm 2020, còn hàng không quốc tế đã quay về 64% so với trước dịch. Tuy nhiên, lượng du khách quốc tế vẫn thấp nên hệ số sử dụng của các hãng hàng không Việt Nam trên các đường bay quốc tế chỉ đạt 60-64%.

Chủ tịch Vietravel đề nghị gỡ khó cho hàng không: Nếu như không bay thì chữ du mất rồi, chúng ta còn mỗi chữ lịch - Ảnh 1.

ổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà. Ảnh: VGP.

TĐể giải quyết các vấn đề, Vietnam Airlines đưa ra 4 kiến nghị. Trước hết là chào đón du khách bằng chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng. Thứ 2 là cần có Chương trình quốc gia về du lịch, đồng thời kiến nghị có Tổ công tác của Thủ tướng về du lịch quốc gia để đẩy mạnh phục hồi, tăng tốc phát triển.

Thứ 3, tập trung mạnh hơn nữa xúc tiến và quảng bá du lịch, huy động các nguồn lực, đặc biệt khi 2023 là kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam với rất nhiều quốc gia, trong đó đều là thị trường du lịch trọng điểm của chúng ta.

Thứ 4, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, nhằm quay lại đầu tư tập trung cho các hoạt động hàng không và du lịch, tăng chất lượng dịch vụ.

Về phía Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng đề nghị Chính phủ cần có chính sách linh hoạt và nhanh, đủ lâu để ngấm và thấm, nhằm tránh tình trạng “đi trước về chậm” – mở cửa sớm mà về đích lại chưa được như mong muốn.

Lấy ví dụ về chính sách visa, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng thay đổi cơ chế, điều chỉnh Luật cần thiết để mở chính sách visa bằng các nước trong khu vực, nhằm tăng tính cạnh tranh.

Tiếp đó, cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thuế VAT, điện, tiếp cận nguồn vốn Quỹ xúc tiến du lịch, đặc biệt cần sửa luật để mở văn phòng xúc tiến du lịch của Việt Nam ở nước ngoài.

Ông còn cho rằng nên xem xét, tính toán lại mục tiêu 8 triệu khách quốc tế năm 2023, đề nghị đặt mục tiêu cao hơn để phấn đấu. Kiến nghị nữa là phát triển du lịch thể thao quốc tế lớn.

" Nếu chúng ta không làm, các nước xung quanh sẽ làm để lôi kéo khách du lịch. Vừa cạnh tranh điểm đến vừa cạnh tranh khách du lịch ".

" Chúng tôi đề nghị xây dựng bản đồ số về du lịch. Chúng ta nói nhiều về chuyển đổi số nhưng lại chưa có. Chúng ta cần làm sớm cái này, trong đó thể hiện toàn bộ tài nguyên du lịch, toàn bộ địa điểm du lịch, dịch vụ ", ông Kỳ phát biểu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm