Công nghệ

"Cần thêm thời gian để xử lý hết sim rác"

Tại họp báo công bố Luật Viễn thông sửa đổi sáng 25/12, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết trước đây, pháp luật không có quy định về trách nhiệm nhà mạng cũng như người dân trong quản lý thông tin thuê bao. Thời gian qua, Bộ cùng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã tiến hành các biện pháp nhằm kiểm soát việc đăng ký thuê bao mới phải trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên sau đó nảy sinh tình trạng người dân được các đại lý thuê đi đăng ký thông tin thuê bao. Các đại lý sau đó sẽ bán lại các sim này dưới dạng sim đã đăng ký.

"Khi đối soát, đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn hoàn toàn đúng, không có gì sai, có điều, đây không phải là người sử dụng mà đang lạm dụng", Thứ trưởng Long nói. Theo ông Long, đây là là nguyên nhân khiến sim rác vẫn tràn lan và "cần thêm thời gian để xử lý hết".

Thứ trưởng Phạm Đức Long trả lời tại họp báo sáng 25/12. Ảnh: Hoàng Phong

Thứ trưởng Phạm Đức Long trả lời tại họp báo sáng 25/12. Ảnh: Hoàng Phong

Sim không chính chủ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sim rác và vấn nạn cuộc gọi, tin nhắn rác thời gian qua. Thứ trưởng Long cho biết Luật Viễn thông lần này quy định thêm trách nhiệm của người dân. Nếu bị phát hiện sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trái phép sẽ xử lý vi phạm hành chính. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của nhà mạng phải lưu trữ đủ hồ sơ, giấy tờ và tham gia, đồng hành để xác thực thông tin thuê bao.

Trước đó, Bộ TT&TT cũng tiến hành nhiều biện pháp nhằm giảm sim không chính chủ, như: chuẩn hóa thông tin thuê bao; kiểm tra các tổ chức, cá nhân đứng tên trên 10 sim. Đến tháng 9, chiến dịch này phát hiện ra khoảng 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp hoặc đứng tên người này như do người khác sử dụng. Hơn 7,1 triệu thuê bao đã đi đăng ký lại.

Việt Nam hiện có hơn 120 triệu thuê bao di động. Theo thống kê vào tháng 8 tại Việt Nam, số thuê bao di động mới phát sinh 1,5 triệu, trong đó 80% sim phát hành qua kênh đại lý, 10% trực tiếp từ nhà mạng và 10% qua kênh chuỗi, như các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn.

Chiếm phần lớn doanh số bán sim, nhưng kênh đại lý còn nhiều lỗ hổng. Hiện nay, phần lớn sim mới kích hoạt đến từ các nhà mạng lớn, đều đã kết nối trực tiếp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sim chỉ được hoạt động nếu dữ liệu trùng khớp. Tuy nhiên, tại nhiều cửa hàng sim thẻ, người dùng vẫn có thể dễ dàng mua sim đã kích hoạt và dùng luôn. Điều này do các đại lý "lách luật", thuê người đứng tên thuê bao, sau đó bán ra thị trường cho người khác.

Sau yêu cầu từ cơ quan quản lý, các nhà mạng đã đồng ý ngừng phát triển thuê bao qua kênh đại lý, tập trung vào kênh trực tiếp hoặc qua các chuỗi bán lẻ uy tín. Sau khi thực hiện biện pháp trên vào giữa tháng 9, số thuê bao phát triển mới trong tháng giảm 35% so với trung bình tháng 8, theo thống kê của Cục Viễn thông. Tuy nhiên, tình trạng sim rác vẫn chưa thể xử lý triệt để.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm