Kênh phát hành riêng lẻ sôi động
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) đã công bố nghị quyết về phương án phát hành 3.000 tỷ trái phiếu riêng lẻ trong tháng 12 này. Trái phiếu có kỳ hạn 6 năm với lãi suất thả nổi. Cùng với Vietcombank, nhiều nhà băng khác như ABBank, TPBank hay VIB cũng đang ráo riết phát hành trái phiếu qua kênh riêng lẻ trong những ngày cuối năm.
Theo thống kê trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong giai đoạn từ ngày 1/10 đến 12/12 (là ngày mà các lô trái phiếu được phát hành),tổng số trái phiếu riêng lẻ được phát hành ra là 72.969 tỷ đồng trong đó ngành ngân hàng là 44.292 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 60,7%.
Ngân hàng cũng đang tăng tốc phát hành trái phiếu trong những tháng cuối năm. Theo thống kê từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VMBA), từ đầu năm đến ngày 30/9, tổng trị giá trái phiếu phát hành riêng lẻ của ngành ngân hàng là hơn 69.700 tỷ đồng.
Từ con số trên, có thể ước tính rằng chỉ trong hơn 2 tháng, ngành ngân hàng đã phát hành số trái phiếu bằng 64% giá trị phát hành trong 9 tháng đầu năm cộng lại.
TPBank đang dẫn đầu với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ 19 lần trong giai đoạn từ 1/10 đến 12/12, với tổng giá trị là hơn 8.000 tỷ đồng. Vị trí tiếp theo thuộc về VIB, với khối lượng phát hành đạt 6.500 tỷ đồng.
Nhìn chung, càng về cuối năm, số lượt và khối lượng phát hành ngày trái phiếu riêng lẻ ngày càng lớn. Lãi suất trái phiếu của các ngân hàng trong giai đoạn này đạt trung bình khoảng 6,7%/năm - cao hơn tương đối so với lãi suất huy động qua kênh tiền gửi hiện nay.
Cùng với đó, lãi suất trái phiếu cho cùng một kỳ hạn càng có xu hướng giảm xuống, tương tự như xu hướng chung được ghi nhận với lãi suất huy động tiền gửi. Trong đó, mức lãi suất cao nhất là 8,6%/năm, do Bac A Bank trả cho lô trái phiếu trị giá 100 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm phát hành vào ngày 6/10.
Ngược lại, Techcombank chỉ phải trả lãi suất 5%/năm cho lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, phát hành hôm 31/10. Mức lãi suất trên thậm chí còn thấp hơn lãi suất huy động tiền gửi vào thời điểm đó của Techcombank.
Nhìn chung, các ngân hàng quốc doanh (BIDV, Vietinbank) và nhóm cổ phần lớn (MB, Techcombank) đang trả lãi suất thấp hơn đáng kể so với các nhà băng khác cho cùng một kỳ hạn huy động. Chẳng hạn, với cùng kỳ hạn 7 năm, lãi suất trái phiếu mà MB phải trả là 7,1%/năm, còn BIDV là 6,33%/năm.
Về kỳ hạn phát hành, đa số các ngân hàng tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, từ 5 năm trở lên. Tuy nhiên, 4 nhà băng ABBank, TPBank, Techcombank và OCB lại phát hành một lượng lớn trái phiếu với kỳ hạn tương đối ngắn, chỉ từ hai đến ba năm. Trong đó, ABBank là trường hợp đặc biệt khi chỉ phát hành trái phiếu với kỳ hạn dưới ba năm trong giai đoạn từ đầu quý IV đến 12/12..
Trái phiếu ra công chúng kém sôi động dịp cuối năm
Vừa qua, ông lớn Agribank cũng đã phát hành thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn năm ra công chúng, với mức lãi suất cộng biên độ 2 điểm %/năm so với lãi suất bình quân kỳ hạn 12 tháng của nhóm Big4 (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank). Trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng và kỳ hạn 8 năm.
Theo kết quả công bố, 14.156 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã mua hết số trái phiếu mà Agribank phát hành. Trong đó, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu của Agribank đạt gần 29%.
Hai nhà băng khác có những đợt phát hành trái phiếu ra công chúng lớn trong quý IV/2023 là VietinBank và Bac A Bank. Tuy nhiên, khác với Agribank, hai ngân hàng trên đã không thể hoàn thành toàn bộ kế hoạch phát hành của mình.
Cụ thể, VietinBank chào bán ra công chúng hai lô trái phiếu với kỳ hạn lần lượt là 8 năm và 10 năm, mệnh giá 100.000 đồng. Lãi suất trái phiếu được cộng biên độ 1,2%/năm hoặc 1,3%/năm so với lãi suất bình quân kỳ hạn 12 tháng của nhóm Big4.
Tuy nhiên, VietinBank chỉ bán hết được lô trái phiếu kỳ hạn 8 năm (1.500 tỷ đồng). Với lô trái phiếu kỳ hạn 10 năm, ngân hàng chỉ bán được 63,7%, thu về gần 1.600 tỷ đồng.
Đầu quý IV, Bac A Bank cũng chào bán gần 3.000 tỷ đồng, với lãi suất kỳ đầu tư 7,5%/năm đến 7,9%năm và kỳ hạn 7 hoặc 8 năm. Mặc dù có kế hoạch bán ra 3.000 tỷ đồng trái phiếu, ngân hàng lại chỉ phân phối được tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng.
Nhìn chung, hoạt động phát hành trái phiếu của các nhà băng trong những tháng cuối năm đã có tác động tích cực đến tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (VNHCVTDH). Thông tư 08 của NHNN quy định trong giai đoạn từ 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023, các ngân hàng phải duy trì tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 34%. Kể từ ngày 1/10, mức trần này được hạ xuống chỉ còn 30%.
Trong tháng 8 và tháng 9, tỷ lệ này tại các ngân hàng thương mại cổ phần được duy trì ở mức trên 39%, tức vượt trần vào thời điểm đó tới 5 điểm %. Sang tới tháng 10, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 37,82%, vẫn cao hơn đáng kể so với mức trần, tuy nhiên đã cải thiện khoảng 1,18 điểm % so với kết quả của tháng 9.
Việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài sẽ giúp các nhà băng tránh phải sử dụng đến nguồn vốn ngắn hạn, huy động qua kênh tiền gửi để cho vay những dự án có thời gian thu hồi vốn lâu như bất động sản hay năng lượng xanh, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, so với tiền gửi ngân hàng, lãi suất qua kênh huy động trái phiếu cũng cao hơn đáng kể, khiến chi phí vốn của các nhà băng cũng tăng lên.