Doanh nghiệp

"Sản phẩm bún khô sẽ có mặt tại châu Âu"

Chị Lê Thị Cảnh hiện là giảng viên Trường Đại học Quang Trung. Khởi nghiệp cách đây ba năm, giảng viên trẻ xây dựng cơ sở thành sản phẩm OCOP đạt chuẩn ba sao, và là đại diện duy nhất của tỉnh Bình Định vào vòng bán kết cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

- Vì sao chị khởi nghiệp khi đang có một công việc ổn định?

- Tôi thấy bản thân là người khá nhút nhát. Hơn 10 năm, tôi chỉ làm đúng một công việc là giảng viên Trường Đại học. Đôi lúc có cơ hội nhưng tôi cũng không dám bước ra vùng an toàn vì sợ từ bỏ công việc. Sau này, tôi có dịp tham gia một chương trình của Giáo sư Phan Văn Trường, được nghe nhiều kiến thức và được truyền cảm hứng mãnh liệt về khởi nghiệp. Tôi cũng có cơ hội tiếp xúc nhiều người để nghe chia sẻ về việc bước ra khỏi vùng an toàn. Lúc này, tôi đã ấp ủ ý định khởi nghiệp.

Gia đình tôi có truyền thống sản xuất bún, phở khô hơn 10 năm. Cơ sở sản xuất quy mô nhỏ làm theo kiểu truyền thống rất vất vả. Tuy vậy, tôi thấy sản phẩm lại ngon, an toàn, nhận nhiều đánh giá tích cực. Lúc đó, tôi muốn đưa sản phẩm gia đình đi xa hơn, tạo việc làm cho người dân địa phương. Vì vậy, tôi quyết định khởi nghiệp với Kicafoods. Khát khao của tôi là người dân khắp nơi dùng các sản phẩm bún, phở khô thay vì các loại thức ăn nhanh không tốt cho sức khỏe.

Chị Lê Thị Cảnh giới thiệu các sản phẩm tại một sự kiện kết nối cung cầu hàng hóa. Ảnh: NVCC

Chị Lê Thị Cảnh giới thiệu các sản phẩm tại một sự kiện kết nối cung cầu hàng hóa. Ảnh: NVCC

- Hành trình xây dựng thương hiệu của Kicafoods ra sao?

- Tôi kế thừa công thức gia truyền của gia đình, bắt đầu với một máy xay gạo, một máy ép bún đã dùng hơn 10 năm. Tôi mượn mẹ 10 bao gạo để bắt khẩu khởi nghiệp. Có thể nói Kicafoods bắt đầu từ số không. Gần như tôi không có vốn và phải xoay sở để đảm bảo đủ hàng, đủ chất lượng.

May mắn là nhờ có công thức nhiều năm của gia đình và khách hàng quen thuộc mà sản phẩm vẫn có đầu ra. Tôi nhận nhiều góp ý từ khách hàng để liên tục cải tiến chất lượng, mẫu mã cho hợp thị hiếu. Trong giai đoạn Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều nơi thiếu lương thực, tôi có cơ hội đưa sản phẩm ra nhiều vùng từ miền Trung, Tây Nguyên cho đến TP HCM. Nhờ vậy, các sản phẩm Kicafoods được nhiều người biết đến hơn.

Được sự ủng hộ của gia đình, người thân, chúng tôi đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị, đăng ký thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm Kicafoods năm 2021 với sản phẩm chủ lực bún, phở khô từ gạo và gạo lứt. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công, chúng tôi quyết định vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hoài Ân, kết hợp vốn sinh lời trong kinh doanh, đầu tư gần 500 triệu đồng mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng lò sấy bún, phở để tăng năng suất, đảm bảo nguồn cung cho thị trường ổn định hơn.

- Sản phẩm bún, phở khô không hiếm trên thị trường, chị làm gì để cạnh tranh với các thương hiệu khác?

- Bún khô Bình Định có nhiều, nhưng đại đa số sản xuất nhỏ lẻ, theo hướng thủ công, chất lượng không đồng đều và ổn định. Tạo ra bún, phở khô Kicafoods khác biệt với các sản phẩm trước đây là điều tôi luôn suy nghĩ.

Để đảm bảo chất lượng, chúng tôi chỉ sử dụng gạo DV108. Đây là dòng gạo có vị thơm, hàm lượng tinh bột cao, được trồng nhiều ở khu vực Hoài Ân. Gạo qua chế biến, khi luộc lên sẽ cho sợi bún thơm dịu, dai, có độ giòn nhẹ. Chúng tôi cũng nghiên cứu, tìm tòi để cho ra các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Chẳng hạn năm nay, chúng tôi ra mắt sản phẩm bún ngô, nhận nhiều phản hồi tốt, được ví như mì Ý phiên bản Việt.

Việc áp dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm và nguồn cung ổn định cũng là một cam kết của thương hiệu với người dùng. Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng, quan tâm đến việc cải tiến mẫu mã để sản phẩm không chỉ ngon mà còn đẹp, hợp mắt người dân.

- Năng lực, sản xuất kinh doanh của đơn vị hiện nay ra sao?

- Sau hơn 3 năm, thương hiệu được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Năm nay, chúng tôi sản xuất hơn 100 tấn thành phẩm với 5 nhân viên chính thức và 3 công nhân bán thời gian. Sản phẩm của chúng tôi hiện bán sỉ qua nhiều đại lý, nhà phân phối khắp các tỉnh, thành trong nước. Đầu năm 2023, chúng tôi đã xuất khẩu sang thị trường Lào và Campuchia. Sau đó, chúng tôi cũng đã thành công đưa sản phẩm qua New Zealand, Hàn Quốc. Xa hơn nữa, định hướng của Kicafoods là xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU.

- Nhìn lại hành trình khởi nghiệp, lúc này chị cảm thấy thế nào?

- Tôi thấy hạnh phúc vì đã bước ra khỏi vùng an toàn, truyền cảm hứng cho nhiều bạn sinh viên mạnh dạn khởi nghiệp. Tôi cũng vui vì xây dựng được thương hiệu của tỉnh nhà, tạo việc làm cho người dân địa phương. Điều hài lòng nhất là các sản phẩm nhận đánh giá cao.

Kicafoods là đứa con tinh thần, là niềm tự hào của tôi và gia đình. Tham vọng của tôi cũng là khao khát từ những ngày đầu khởi nghiệp đó là người người, nhà nhà sử dụng bún, phở khô thay vì ăn thức ăn nhanh không tốt cho sức khỏe. Đây cũng là định hướng để chúng tôi cải tiến, nâng cấp và cho ra mắt nhiều sản phẩm mới trong tương lai. Năm sau, chúng tôi cũng dự định thành lập doanh nghiệp để đưa hoạt động kinh doanh vào khuôn khổ, bài bản và hoàn thiện hơn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm