Công nghệ

"Camera giám sát có thể nguy hiểm hơn máy tính khi bị hack"

Tại tọa đàm Tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát ngày 22/5 ở Hà Nội, các chuyên gia cho biết camera giám sát ngày càng được sử dụng nhiều ở Việt Nam, ứng dụng công nghệ tiên tiến, song cũng có nguy cơ mất an toàn thông tin.

Theo ông Nguyễn Việt Bằng, Phó tổng giám đốc VNPT Technology, camera trông đơn giản và nhỏ gọn, nhưng là thiết bị phức tạp với các thành phần về quang, xử lý, kết nối mạng.

"Một camera đặt trong nhà sẽ giống máy tính có hệ điều hành, có ghi âm, có hình ảnh và gần như là có thêm một người ở trong nhà mình, chạy âm thầm", ông Bằng nói. "Nếu có lỗ hổng, thiết bị camera hoàn toàn có thể gửi thông tin ra ngoài".

Một số mẫu camera của hãng nước ngoài được sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: Lưu Quý

Một số mẫu camera của hãng nước ngoài được sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: Lưu Quý

Đồng quan điểm, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia NCA cho rằng có thể xem camera như máy tính, thậm chí đặc biệt hơn bởi "máy tính" này có thể nghe, nhìn, phân tích nếu tích hợp AI. Trong khi đó, chúng lại không cần đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật cao như máy tính khi hoạt động tại Việt Nam.

Ngoài ra, camera thường hoạt động 24/24, ít được vá lỗi và gần như không được cập nhật bản vá, phần mềm diệt virus. Ở nhiều cơ quan, có khu vực con người không thể tiếp cận nhưng được trang bị camera. Theo ông Sơn, điều này khiến một camera bị tấn công có thể còn nguy hiểm hơn các thiết bị khác, nhất là khi nó có thể thu thập thông tin của một cá nhân, gia đình hay cơ quan, tổ chức.

Thời gian qua, Việt Nam cũng xuất hiện nhiều sự cố an toàn thông tin liên quan đến camera giám sát, như tình trạng rao bán video nhạy cảm từ camera phòng ngủ, hay nhiều người bị tin tặc truy cập và để lại thông báo trên màn hình.

Theo chuyên gia NCA, camera bị tấn công dễ để lại hậu quả nghiêm trọng. Đó là quyền riêng tư bị xâm phạm, bị theo dõi từ xa, tống tiền vì hình ảnh riêng tư, làm deepfake lừa đảo, hoặc trở thành bàn đạp để hacker tấn công hệ thống khác bên trong mạng lưới.

"Tiêu chuẩn camera rất cần thiết để có hành lang cho nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam tuân theo", ông Sơn nói.

Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 8/5 đã ban hành Bộ tiêu chí cho camera giám sát, trong đó có yêu cầu về việc việc đặt mật khẩu, quản lý dữ liệu, cập nhật vá lỗ hổng... Tuy nhiên, các yêu cầu này mới dừng lại ở mức khuyến nghị.

Phó Cục trưởng An toàn thông tin Trần Đăng Khoa cho biết đơn vị đang phối hợp cùng các bên để xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho thiết bị camera giám sát, dự kiến ban hành trong năm 2024. "Khi đã thành quy chuẩn, bắt buộc camera được sản xuất hay nhập khẩu vào Việt Nam sẽ phải được kiểm định, đánh giá, được chứng nhận hợp quy, đáp ứng yêu cầu mới được đưa ra thị trường. Khi đó, chúng ta sẽ cơ bản giải quyết được vấn đề an toàn thiết bị camera giám sát", ông Khoa nói.

Phó Cục trưởng ATTT Trần Đăng Khoa chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Lưu Quý

Phó Cục trưởng An toàn thông tin Trần Đăng Khoa chia sẻ tại tọa đàm về camera giám sát ngày 22/5 ở Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

Thúc đẩy camera Việt Nam để bảo vệ dữ liệu

Tại tọa đàm, đại diện của nhiều hãng camera giám sát trong nước như Viettel, VNPT, Vconnex, MK Vision, Hanet... đều khẳng định camera của họ đáp ứng đầy đủ tiêu chí. Tuy nhiên thực tế, theo thống kê được Pavana công bố, 90% camera giám sát đang hoạt động trong nước là sản phẩm từ Trung Quốc. Trong đó, nhiều hãng đặt máy chủ tại nước của họ, và người dùng ở Việt Nam phải "đi vòng" qua máy chủ này trước khi kết nối vào camera của mình.

Để giải quyết triệt để nguy cơ mất an toàn thông tin với camera giám sát, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy ngành camera trong nước. Ông Nguyễn Đức Quý, Tổng giám đốc Vconnex, đề xuất cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ đủ mạnh để doanh nghiệp camera tồn tại, từ đó giúp người dùng có thêm các lựa chọn an toàn, thay vì phải tìm đến camera trôi nổi trên thị trường. Ngoài ra, ông cho rằng doanh nghiệp Việt cần làm chủ từ phần cứng đến nền tảng, đồng thời cần có một nền tảng quản lý VMS mở đặt tại Việt Nam, do Việt Nam quản lý.

"Nếu chỉ tập trung sản xuất phần cứng, làm chủ firmware nhưng vẫn sử dụng nền tảng kết nối nước ngoài, dữ liệu vẫn sẽ ra bên ngoài mà không ở Việt Nam", ông Quý nói.

Ông Nguyễn Đức Quý phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lưu Quý

Ông Nguyễn Đức Quý phát biểu tại tọa đàm ngày 22/5 ở Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

Một trong những lý do cho sự phổ biến của camera Trung Quốc là giá rẻ. Trước thách thức này, các chuyên gia cho rằng các công ty Việt có thể hợp tác thành liên minh, từ đó tận dụng thế mạnh của nhau, thúc đẩy việc giảm giá thành sản phẩm trong nước.

"Giá thành camera phụ thuộc vào số lượng trên thị trường. Nếu mỗi bên chỉ có một ít sẽ rất khó cạnh tranh với các nhà cung cấp lớn khác", ông Nguyễn Đăng Triển, đại diện Viettel Telecom, nói. "Do đó, tôi đề xuất các bên cùng nghiên cứu và chia sẻ kiến thức về kỹ thuật công nghệ, ngoài đáp ứng tiêu chuẩn quy chuẩn, còn đáp ứng lợi thế cạnh tranh".

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Lumi Việt Nam, cho rằng các công ty có thể dùng một nền tảng và mỗi bên có thể bổ sung tính năng để tạo lợi thế cạnh tranh riêng. "Làm giải pháp chi phí không hề rẻ, nhưng nếu 10 công ty cùng dùng chung, chi phí sẽ giảm nhiều", ông nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm