Khoa học

Bộ sưu tập của "người điên"

Tóm tắt:
  • Ông Bùi Văn Bình, cựu binh Quảng Trị, mất 10 năm sưu tầm hơn 1.500 kỷ vật chiến tranh của đồng đội đã hi sinh.
  • Bảo tàng nhỏ của ông gồm đồ dùng, quân phục, thư từ, nhật ký chiến trường, chứa đựng nhiều câu chuyện cảm động.
  • Ông sắp xếp, ghi chép cẩn thận từng kỷ vật, xem như tài sản vô giá của gia đình và lịch sử dân tộc.
  • Ông làm việc này để trả ơn đồng đội đã hy sinh, dù bị nhiều người cho là "người điên" khi đi sưu tầm.
  • Bảo tàng của ông trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống, thu hút học sinh và đoàn viên đến tham quan.

Mỗi kỷ vật một câu chuyện

Tôi đến thăm cựu chiến binh Bùi Văn Bình ở khu 3, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ vào những ngày chuẩn bị Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dù đã quá 12 giờ trưa, ông vẫn miệt mài sắp xếp những kỷ vật đồng đội dành tặng. “Sắp tới, các cháu đoàn viên, thanh niên, học sinh sẽ đến tham quan bảo tàng nên tôi tranh thủ thời gian sửa soạn lại cho tươm tất”, ông Bình chia sẻ.

Người cựu binh tóc bạc trắng dừng tay, pha ấm trà thơm phức đặt lên bàn. Ông mở tủ, lấy bộ quân phục được gói ghém cẩn thận ra mặc. Ông chia sẻ, cứ vào dịp kỷ niệm 30/4, Quốc khánh 2/9, ngày thành lập Quân đội nhân dân 22/12… nhiều người dân, đặc biệt là các cháu học sinh, cựu chiến binh đến thăm bảo tàng của ông.

Trong căn phòng chừng 20m2, ông trưng bày hơn 1.500 kỷ vật chiến tranh, là nỗ lực của ông suốt 10 năm qua đi đến các vùng miền. Kỷ vật được ông sưu tầm là đồ dùng của đồng đội như những lá thư tay của tiền tuyến gửi hậu phương, các trang nhật ký, bình tông, ăng gô (cặp lồng), cốc uống nước, máy thông tin cá nhân, quân phục, mũ cối, dép cao su… Tất cả kỷ vật được ông lưu giữ, ghi lại câu chuyện gắn liền với kỷ vật đó, xem như tài sản vô giá của gia đình.

Bộ sưu tập của "người điên" ảnh 1

Kỷ vật của cựu chiến binh Đào Tiến Lợi

“Những hiện vật này dù nhỏ nhưng chứa đựng nhiều câu chuyện về sự hi sinh của các chiến sĩ, chiến đấu quên mình vì độc lập - tự do của dân tộc”, ông Bình chia sẻ.

Nhờ sự chỉn chu của người đã hơn 30 năm đứng lớp, những kỷ vật được ông Bình cẩn thận ghi số thứ tự, thời gian nhận, thông tin chủ nhân hiến tặng… rồi được chụp ảnh lại để lưu giữ. Ông mở tủ lấy cho tôi xem những cuốn sổ ố vàng. Lật từng trang, giới thiệu về từng kỷ vật. Trong đó, kỷ vật số 27 là chiếc ca của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Đình Cư, quê ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Chiếc ca được gia đình gửi tặng cho ông đã hoen gỉ nhưng vẫn thấy rõ hai câu khẩu hiệu: “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”, “Kháng chiến nhất định thắng lợi” cùng hình ảnh đôi chim bồ câu hòa bình. Trên chiếc ca có in cờ Đảng Cộng sản Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam lồng vào nhau, thể hiện sức mạnh đoàn kết của các nước xã hội chủ nghĩa. “Chiếc ca đã theo Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Đình Cư suốt những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và lập được bao chiến công vang dội”, ông Bình cho hay.

Tôi ấn tượng với chiếc bình tông đựng trong túi vải của cựu chiến binh Đào Tiến Lợi, chiến sĩ tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Trong những năm tháng ở chiến trường, chiến sĩ Đào Tiến Lợi viết dòng chữ: “Chưa thắng giặc Mỹ/ Chưa về với em/1968” trên chiếc túi vải đã sờn, thể hiện tình yêu quê hương, quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. “Đây là kỷ vật vô giá của ông Lợi và ông luôn giữ bên mình, nhưng khi biết đến bảo tàng kỷ vật kháng chiến, ông đã đem đến gửi tặng cho tôi”, ông Bình cho hay.

Trả ơn đồng đội

Bộ sưu tập của "người điên" ảnh 2

Một góc bảo tàng kỷ vật chiến tranh của ông Bùi Văn Bình

Khi đang say sưa với những câu chuyện về kỷ vật, giọng ông Bình chùng xuống, mắt rơm rớm: “Tôi làm việc này để trả ơn đồng đội đã hi sinh cho tôi được sống”. Ông kể rằng, ông từng là chiến sĩ chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị. Dù trên người mang nhiều thương tích, nhưng còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống. Ông được trở về với mẹ, được học tập và có một gia đình hạnh phúc. Những điều đó đã thôi thúc ông dồn hết tâm sức để xây dựng bảo tàng nhỏ của gia đình.

Sau khi xuất ngũ, ông đi học đại học ngành sư phạm rồi về giảng dạy ở quê nhà. Trong những năm công tác, ông chưa khi nào ngừng đau đáu ước nguyện sưu tầm, lưu giữ kỷ vật chiến tranh của đồng đội năm xưa.

“Xuất phát từ tấm lòng muốn tri ân đồng đội, ông Bình đã làm một việc rất ý nghĩa. Ông dành 10 năm, với bao công sức, tâm huyết đi đến các tỉnh thành trong cả nước sưu tầm các kỷ vật chiến tranh, lưu giữ cho muôn đời sau. Bảo tàng của ông Bình trở thành “địa chỉ đỏ” thường xuyên đón các đoàn học sinh đến tham quan, học tập, giáo dục truyền thống lịch sử cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.

Đại tá Nguyễn Trung Thông, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phù Ninh , Phú Thọ

Năm 2013, nghỉ hưu, ông thực hiện ước nguyện bấy lâu nay của mình. Bằng lương hưu, khoản trợ cấp thương binh, một mình ông trên chiếc xe máy cũ, ba lô, cơm nắm đi khắp địa phương phía Bắc tìm kiếm kỷ vật. Sau này, ông thường xuyên vào chiến trường miền Trung, miền Nam, gặp những người đồng đội cũ để sưu tầm kỷ vật. Bất cứ ở đâu có người giới thiệu kỷ vật là ông tìm đến mua bằng được.

Bộ sưu tập của "người điên" ảnh 3

Chiếc ca của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Đình Cư

Tiếng đồn xa, không chỉ đồng đội của ông, nhiều cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ cũng gửi tặng ông những món kỷ vật vô giá. “Nhiều gia đình khi biết tin cũng lặn lội từ miền Nam mang kỷ vật tặng bảo tàng. Cũng có những người đến hỏi mua kỷ vật với giá chục triệu đồng nhưng tôi không bán, bởi đó là xương máu của đồng đội tôi”, cựu chiến binh Bùi Văn Bình chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Lại, vợ ông Bình chia sẻ, thời gian đầu, thấy ông đi sưu tầm những kỷ vật cũ kỹ, hàng xóm láng giềng nói ông ấy là “người điên”.

Tham quan không gian của bảo tàng, chúng tôi xúc động trước những kỷ vật sắp xếp gọn gàng, khoa học. Ông Bình trầm ngâm hồi lâu: “Vượt qua biết bao khó khăn, những lời dị nghị bảo tôi gàn dở, tôi mới xây dựng được bảo tàng này. Cũng may có bà nhà tôi đồng hành”, ông Bình cho hay.

Bà Nguyễn Thị Lại, vợ ông Bình chia sẻ, thời gian đầu, thấy ông đi sưu tầm những kỷ vật cũ kỹ, hàng xóm láng giềng nói ông ấy là “người điên”. “Mỗi lần ông xách xe máy đi là cả nhà lo lắng, vì những vết thương tái phát lúc nào không hay. Khuyên nhủ thì ông ấy bảo: “Mình sống được đến nay, nhờ sự hi sinh của đồng đội, tôi phải có trách nhiệm với đồng đội”. Nghe ông ấy nói vậy, nên cả nhà ủng hộ, giúp đỡ ông hoàn thành tâm nguyện”, bà Lại cho hay.

Viết Hà

Các tin khác

Ăn ít vào buổi tối có tốt không?

Tôi có thói quen ăn ít vào buổi tối, nhưng nhiều thông tin nói rằng bữa tối cũng rất quan trọng, vậy việc ăn ít đem lại lợi ích hay hại sức khỏe? (Đức, 38 tuổi, Hà Nội).

Giá vàng giảm mạnh

Sáng nay (2/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Vàng miếng SJC có nơi giảm còn 118,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 114,5 triệu đồng/lượng.

Vỡ vật hang do quan hệ sai tư thế

Người đàn ông 35 tuổi bầm tím dương vật sau khi quan hệ tình dục, bác sĩ phát hiện dọc thể hang có nhiều điểm rách, tụ máu.

Lý do tái định cư Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm

Trong khi người dân "khan" nhà ở, nhiều dự án nghìn tỷ phục vụ tái định cư, giải phóng mặt bằng tại Hà Nội xây xong lại bỏ hoang, gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội, chủ đầu tư lao đao.

Giá vàng rơi thẳng đứng

Giá vàng thế giới rơi thẳng đứng trong phiên giao dịch Mỹ ngày 1.5, nâng tổng mức giảm trong ngày lên 84 USD/ounce, tương ứng mức mất giá mạnh nhất lên 2,6%.

Vụ nổ súng ở Vĩnh Long: Nguyên Trưởng Công an huyện khẳng định không có quan hệ với tài xế xe tải

Thượng tá Nguyễn Hoàng Văn, nguyên Trưởng Công an huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) khẳng định, không có quan hệ hay quen biết gì với tài xế xe tải trong vụ tai nạn giao thông làm con gái ông Phúc (người gây ra vụ nổ súng) tử vong và không có chỉ đạo nào như thông tin lan truyền trên mạng xã hội.

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Sáng nay (1/5), mưa lớn đã bao trùm nhiều khu vực ở miền Bắc. Dự báo trong ngày hôm nay, mưa lớn tiếp tục ở khu vực miền Bắc, từ chiều tối và đêm nay mưa giảm dần. Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Nam Bộ và Nam Tây Nguyên mưa dông vào chiều tối. Các khu vực khác ít mưa, ngày nắng.