VN-Index kết thúc tháng 4 tại 1.226,3 điểm, giảm 80,6 điểm, tương đương 6,2% so với cuối tháng 3. Đặc biệt, trong tuần từ 1/4 đến 8/4, chỉ số này giảm mạnh hơn 16%, xuống mức thấp nhất 1.094,3 điểm, do lo ngại về chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Tuy nhiên, sau thông tin Mỹ tạm hoãn áp thuế 90 ngày, VN-Index phục hồi mạnh, có phiên tăng 6,8% vào ngày 9/4 .
Thanh khoản thị trường có xu hướng cải thiện, nhưng vẫn chưa ổn định. Tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động và các chính sách thuế quan chưa rõ ràng.
Tổng giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường đạt 25.569 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản tăng 17,4% lên 23.267 tỷ đồng.
Thống kê giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, tổ chức trong nước và khối ngoại có quy mô giao dịch tăng lần lượt 47% và 36% so với tháng trước. Cá nhân trong nước là bên mua ròng duy nhất trong tháng 4 với giá trị hơn 22.321 tỷ đồng, trong đó họ gom ròng 16.627 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Lũy kế 4 tháng đầu năm, NĐT cá nhân giải ngân hơn 34.800 tỷ đồng, tương đương 53% quy mô rót ròng của cả năm 2024.
Tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng về bên mua với 11/18 nhóm ngành được gom ròng. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu danh mục giải ngân với 11.891 tỷ đồng. Tương tự, các nhóm ngành được gom ròng hơn nghìn tỷ đồng còn có công nghệ thông tin (2.075 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (2.027 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (1.500 tỷ đồng), ...
Hoạt động mua ròng của NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các lĩnh vực như hàng cá nhân & gia dụng (764 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (497 tỷ đồng), hóa chất (344 tỷ đồng), ...
Chiều ngược lại, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu xây dựng & vật liệu với giá trị 1.022 tỷ đồng. Theo sau, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 778 tỷ đồng ở nhóm bán lẻ, trước khi rút ròng nhẹ hơn ở các lĩnh vực tài nguyên cơ bản (575 tỷ đồng), du lịch & giải trí (242 tỷ đồng), bảo hiểm (125 tỷ đồng), ...

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Thống kê giao dịch khớp lệnh theo từng mã, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu được NĐT cá nhân mua ròng nhiều nhất trong tháng 4. Cụ thể, cá nhân trong nước gom ròng 2.239 tỷ đồng cổ phiếu ACB, trái ngược so với lực xả mạnh mẽ từ phía tổ chức trong nước (2.032 tỷ đồng).
Mặt khác, hoạt động rót ròng hàng nghìn tỷ đồng cũng trải dài ở các mã FPT (2.128 tỷ đồng), MBB (1.899 tỷ đồng), VCB (1.503 tỷ đồng), SSI (1.259 tỷ đồng), KBC (1.256 tỷ đồng), STB (1.225 tỷ đồng), VNM (1.095 tỷ đồng), VPB (1.080 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, NĐT cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với 1.147 tỷ đồng. Hai cổ phiếu "họ Vin" cũng bị rút ròng là VIC và VRE với giá trị 968 tỷ và 472 tỷ đồng.
Một số mã thuộc nhóm bán lẻ, hàng không, xây dựng, chứng khoán, hóa chất, điện cũng nằm trong Top 10 rút ròng là MWG (838 tỷ đồng), HVN (434 tỷ đồng), CTD (366 tỷ đồng), BMP (282 tỷ đồng), VCI (250 tỷ đồng), DCM (245 tỷ đồng), GEX (216 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.