"Tôi gần như phá sản", Fawaz, nhà giao dịch tiền điện tử 45 tuổi, nói. "Tôi đang tự cười bản thân, vì giờ có khóc, phiền muộn hay thất vọng cũng không giúp được gì".
Fawaz nghỉ việc trong lĩnh vực bất động sản để dành thời gian tìm hiểu và đầu tư tiền số cách đây một năm. Ông cho biết một khoản tiền "rất lớn" của ông đã bốc hơi những tháng qua, khiến ông căng thẳng và mất ngủ nhiều tuần liền. Ban đầu, ông sở hữu 40 loại coin, nhưng vài tháng trước đã thu hẹp danh mục vì giá trị còn lại quá ít. Hiện ông chỉ giữ Bitcoin và Ripple (XRP) nhưng không biết phải chờ bao lâu để thấy chúng có lãi.
Nhiều người chơi tiền số nhỏ lẻ khác cũng lâm vào hoàn cảnh như Fawaz, bất lực chứng kiến tài sản của mình lao dốc mà không thể làm gì. Theo thống kê của sàn giao dịch Bitfinex, các tài khoản cá nhân hiện giảm còn khoảng 2,3 triệu, so với mức 3,1 triệu tài khoản vào năm 2020. Số dư trong các ví cũng sụt mạnh, cho thấy lượng tiền số bán ra và số người "nghỉ chơi" tăng mạnh so với cách đây một vài năm.
"Có những dấu hiệu cho thấy một số lượng đáng kể nhà đầu tư nhỏ lẻ đã chán nản đến mức hoàn toàn rời khỏi thị trường tiền số", đại diện Bitfinex nhận xét.
Mùa đông tiền số đã kéo dài trong nhiều tháng qua và chưa có dấu hiện kết thúc. Theo các chuyên gia, 2022 được xem là năm "tàn bạo" đối với những ai đã chi tài sản của mình vào tiền số. Giá trị Bitcoin đã giảm hơn 60% sau một năm, còn những đồng khác giảm 80-90% hay thậm chí là mất gần như hết giá trị. Vốn hóa thị trường cũng bị thổi bay gần hai nghìn tỷ USD và hiện còn dưới một nghìn tỷ USD.
Theo dữ liệu của Glassnode, trong 7 ngày đầu tháng 11, khi sàn FTX sụp đổ, đã có hơn 10 tỷ USD tiền số "bốc hơi" chỉ tính riêng đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. "Đây không phải mùa đông nữa, đó là cuộc tắm máu. Khủng hoảng FTX giống như quân cờ domino xô đổ rất nhiều công ty liên quan khác", Linda Obi, làm tại công ty blockchain Zenith Chain và là nhà đầu tư tiền số ở Lagos (Nigenia), nói.
Người phụ nữ 38 tuổi này cho biết mình là nhà đầu tư "đường dài" với thời gian dự tính 5 năm. Bà giao dịch mỗi thứ một chút, gồm cả Bitcoin và meme coin. "Thực tế mọi thứ về tiền số đang bị cường điệu hóa. Nhưng mọi người có vẻ không nghiên cứu kỹ về nó mà vẫn lao vào", Obi nêu.
Những năm gần đây, thiệt hại khi đầu tư tiền số được đánh giá cao hơn hẳn do mọi người biết đến loại hình này nhiều hơn, giao dịch dễ hơn. Nghiên cứu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS thực hiện từ năm 2015 đến 2022 ước tính 73-81% người tham gia có khả năng bị mất tiền khi đầu tư vào tiền số.
Việc các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua tiền số được ví như David đấu với gã khổng lồ Goliat. "Thật khó giao dịch chúng nếu chỉ dựa trên các kênh tin tức, không có nguồn tin nội bộ. Hơn nữa, mọi thứ thậm chí thay đổi nhanh chóng chỉ sau một dòng tweet", Adalberto Rodrigues, 34 tuổi, điều hành một công ty phần mềm và có mua bán tiền số, nói.
Nghiên cứu của BIS cho thấy, khi những "cá mập" - người nắm giữ Bitcoin và các loại tiền số khác với số lượng lớn - mua vào, người chơi nhỏ hơn lại thường bán ra và ngược lại. Điều này tạo thanh khoản cho các "cá mập", trong khi nhà đầu tư nhỏ lẻ luôn nắm phần thiệt.
Dù thua lỗ, giới chuyên gia nhận định những nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ vẫn tiếp tục lao vào. "Như mọi khi, vẫn sẽ có người bất chấp cảnh báo", Eloisa Marchesoni, một người chơi tiền số và đang "mắc kẹt" hơn 2.000 USD trên FTX, cho biết.
Trong khi đó, việc nhà đầu tư nhỏ lẻ mất quá nhiều tiền sẽ buộc cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia phải hành động. "Các chính trị gia sẽ gặp khó khăn hơn nhiều nếu phớt lờ lời kêu cứu từ những cử tri bị mất tiền tiết kiệm", Charley Cooper, Giám đốc truyền thông của công ty blockchain R3, nhận định.
(theo Reuters)